Nhật Bản được biết đến là một đất nước thường chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó có động đất và mưa bão. Theo trang web-japan.org do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ, Nhật Bản là một hòn đảo trải dài từ Bắc tới Nam, địa hình núi dốc chiếm tới 75% diện tích đất. Mỗi khi mưa lớn, các dòng sông tại đây rất dễ bị tràn gây tình trạng ngập lụt.
Vì lý do này cộng với diện tích đất giới hạn nên Nhật Bản đã xây dựng một hệ thống thoát nước ngầm. Hệ thống này là công trình thoát nước ngầm khổng lồ nhất thế giới.
Hệ thống thoát nước này của Nhật Bản là một công trình khổng lồ mà chưa có nơi nào khác trên thế giới xây dựng được.
Web-japan cho biết, hệ thống được xây dựng sâu 50m dưới lòng đất ở tỉnh Saitama, thuộc vùng ngoại ô Tokyo của Nhật Bản. Điều đáng kinh ngạc là Nhật Bản đã phải dành 17 năm để hoàn thành hệ thống trên.
Cụ thể, dự án bắt đầu từ năm 1992, sau đó đưa vào hoạt động từ năm 2006 và chính thức hoàn tất mọi thứ vào năm 2009. Toàn bộ công trình được chia ra thực hiện bởi 6 công ty Nhật Bản.
Theo mô tả, hệ thống gồm 5 trục hình trụ lớn, cao khoảng 70m, đường kính khoảng 30m, đủ rộng để chứa một tàu con thoi. Tất cả các trục này được nối thông với nhau bằng một đường hầm có thiết kế cong, đường kính 10m, dài 6,3km.
Ở cuối hệ thống, nước sẽ được trữ trong một bể kiểm soát áp lực khổng lồ. Bể này có chức năng giảm áp lực của nước chảy, cũng như kiểm soát dòng nước trong trường hợp chẳng may có một máy bơm bị vỡ. Bể chứa rộng hơn một sân bóng đá với chiều dài 177m, rộng 78m và cao khoảng 22m dưới lòng đất.
Bể kiểm soát áp lực với 59 trụ đỡ trông như một ngôi đền dưới lòng đất.
Theo thông số thiết kế, hệ thống có khả năng xả 200m3 nước/giây ra sông Edo, tương đương lượng nước đầy trong một bể bơi chuẩn 25m.
Sau khi hệ thống đi vào hoạt động, vào tháng 8.2008, một cơn mưa xối xả đã đổ xuống khu vực này. Lúc đó, nó đã giúp thoát 12.000.000m3 nước ra sông Edo, tương đương lượng nước đầy trong 25.000 bể bơi chuẩn 25m.
Sơ đồ hệ thống thoát nước: 5 trụ đứng có chức năng chia tải lượng nước, sau đó được đẩy qua bể kiểm soát áp suất rồi xả ra sông Edo.
Hệ thống đã gây sự chú ý mạnh mẽ trên toàn thế giới và đã có các chuyên gia từ các quốc gia khác tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm, như Hàn Quốc và Trung Quốc.
Ảnh chụp một phần con đường đưa nước xuống các trụ chứa.
Đường hầm dài 6,3km nối 5 trụ đứng với nhau.
Máy khoan đường hầm dưới lòng đất có đường kính khoảng 10m, được sử dụng trong quá trình thi công công trình này.
Các máy bơm có khả năng xả 200m3 nước/giây.
Video tham quan hệ thống thoát nước ngầm của Nhật Bản (Nguồn: CNN):
Chiều tối 15.9, một cơn mưa lớn kéo dài đã làm ngập nước gần như toàn bộ TP.HCM, khiến người dân phải “bơi” trong biển nước về nhà sau giờ tan tầm. Theo lý giải của Trung tâm Điều hành chống ngập lụt TP.HCM, thành phố bị ngập nặng là do cả triều và lượng mưa đều vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước hiện tại. Cụ thể, đỉnh triều đã đạt 1,4m vượt quá công suất thiết kế ban đầu là 1,32m, và lượng mưa có nơi lên đến 142mm vượt quá công suất thiết kế 85,36mm. Trước tình trạng này, đại diện Phòng Quản lý Hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM, cho biết: Quá trình cải tạo hệ thống thoát nước tại TP.HCM đang được hiện theo từng giai đoạn, cho từng điểm ngập cụ thể theo đề án 1547 và 752. Trong đó có mục tiêu xây dựng 103 hồ điều tiết ngầm để trữ nước trong trường hợp các cống không xả kịp. Năm 2016 ưu tiên thực hiện trước 3 hồ điều tiết Bàu Cát (Q.Tân Bình), Gò Dưa (Q.Thủ Đức) và Khánh Hội (Q.4), tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Hiện đã có hồ điều tiết Bàu Cát đi vào thí điểm và đã đạt được hiệu quả bước đầu. Song song đó, kế hoạch sẽ cải tạo lại khoảng 200km đường cống nội thị để thoát nước ra kênh. Cùng lúc, việc cải tạo các kênh dẫn nước sẽ được thực hiện đồng bộ để thoát nước từ kênh ra các sông lớn. |