Dân Việt

Thành tỷ phú nhờ... rừng

Huy Hoàng 19/09/2015 06:15 GMT+7
Nhiều người bảo “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, nhưng với ông Đoàn Xuân An ở thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thì ngược lại. Nhờ làm nhiều nghề như trồng rừng, cây ăn quả, nhận xây dựng công trình… ông An đã sớm trở thành tỷ phú và là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở vùng cao.

Gian nan khởi nghiệp

Năm 1963, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, gia đình ông Đoàn Xuân An từ Ninh Bình lên huyện Hàm Yên xây dựng vùng kinh tế mới. Cậu bé Đoàn Xuân An ngày nào mới 9 tuổi lớn lên trên quê mới đã được bố mẹ truyền lại kinh nghiệm khai hoang, lập đất, trồng rừng và phát triển kinh tế nông nghiệp. Năm 19 tuổi, Đoàn Xuân An lấy vợ và được bố mẹ cho ra ở riêng với mảnh đất để làm vườn, dựng nhà.

img

Ông Đoàn Xuân An (thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) bên vườn thanh long ruột đỏ của gia đình.  Ảnh: H.H

Ông An nhớ lại, quãng thời gian ra ở riêng cũng chính là thời kỳ vất vả nhất của cuộc đời tôi, bởi khi ấy tôi còn quá trẻ. Đôi vợ chồng trẻ với tài sản chẳng có gì ngoài 2 bàn tay trắng nên phải xin vào làm công nhân Lâm trường Hàm Yên. “Cuộc sống của công nhân lâm trường như mọi người biết đấy, nay đây mai đó trên những cánh rừng, sống trong lều bạt, hết khai thác gỗ rồi trồng mới rừng trong muôn vàn khó khăn, thử thách…” – ông An chậm rãi kể.

Bước ngoặt thứ 2 đã quyết định tương lai tươi sáng hơn cho cuộc sống của vợ chồng ông An khi sau này được lãnh đạo Lâm trường Hàm Yên giao cho làm cán bộ phụ trách mảng văn hoá của đơn vị.

Vốn bản chất sôi nổi, có khiếu văn nghệ nên ông An đã tổ chức thành công nhiều buổi giao lưu văn nghệ, cổ vũ tinh thần của công nhân, góp phần thúc đẩy tốc độ sản xuất của toàn lâm trường. Những bài hát phù hợp được ông lựa chọn như “Bài ca người trồng rừng”, “Khúc hát người trồng rừng”, “Bài ca người thợ rừng”, “Một rừng cây một đời người”… đã thổi vào những người công nhân lâm trường lòng yêu nghề, quyết phủ xanh đất trống đồi trọc trên địa bàn của huyện. Nhờ thế, trong nhiều năm qua, huyện Hàm Yên luôn được đánh giá là địa phương đi đầu trong công tác trồng rừng của tỉnh Tuyên Quang. Đặc biệt, phong trào phủ xanh đất trống đồi trọc đã đi vào chiều sâu, được nhiều nông dân hưởng ứng, kinh tế trang trại và vườn rừng cũng phát triển từ đây, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân.

Nhờ có nhiều thành tích trong công tác, ông An sau đó được tín nhiệm bầu làm Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện đoàn Hàm Yên, rồi làm Trưởng ban Công - Nông nghiệp của Tỉnh đoàn Hà Tuyên cũ. Đến năm 1991, ông về nghỉ theo chế độ, mặc dù vậy, ông vẫn đắm đuối với màu xanh của rừng nên tiếp tục khai hoang, trực tiếp trồng cây gây rừng để rồi trở thành tỷ phú.

“Vua rừng” đa tài

Nhiều người nói ông An là “vua rừng” cũng chẳng ngoa chút nào, bởi nếu đến thăm trang trại vườn, rừng của ông ở xã Yên Phú, có lẽ đi cả buổi cũng không hết với những vườn cam sành, thanh long ruột đỏ, rừng keo, mỡ, bồ đề rộng tới gần 60ha.

Vợ ông An, bà Đỗ Thị Tình cho biết: “Nhiều người coi tài sản là những ngôi nhà tầng khang trang, những tiền tỷ gửi ở ngân hàng… nhưng với ông ấy có lẽ chính là những khoảng rừng rợp mát, đem lại màu xanh cho quê hương. Chính vì thế, ông ấy đã không ngần ngại ném hết vốn liếng vào đồi rừng, vườn cây ăn quả mà thời bấy giờ, nhiều người cho là mạo hiểm”.

imgTừ diện tích khai hoang được và mua lại của bà con địa phương, ông An đã quy hoạch rạch ròi từng vùng trồng: Ở đồi cao ông chọn trồng keo, mỡ, bồ đề; khu vực thấp phía dưới ông trồng cam; đất bằng phẳng hơn ông cho người dựng cột bê tông trồng thanh long ruột đỏ. Với sự chăm chỉ, kiên trì, ham học hỏi cộng với kiến thức lâm nghiệp sẵn có, ông An đã xây dựng thành công mô hình vườn - rừng. Khi gỗ vừa đến tuổi khai thác, ông lại trồng ngay cây mới, không cho đất nghỉ.

Nhiều người dân bản xứ thấy ông làm hùng hục, không ai nghĩ ông từng làm cán bộ. Bà Hà Thị Nga ở xã Yên Phú (Hàm Yên) tâm sự, có đợt lên rừng hái củi gặp ông ấy mồ hôi nhễ nhại chăm sóc từng cây rừng, trông chẳng khác gì nông dân. Ai ngờ ông ấy lại là chủ một trang trại, là giám đốc một doanh nghiệp lớn.

Nhắc lại chuyện mở doanh nghiệp của ông An, có lẽ nhiều người càng thêm khâm phục ông bởi quyết định táo bạo và dám nghĩ dám làm. Năm 2003, khi đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân Lương Tâm (hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, giao thông thuỷ lợi, lắp đặt điện, nước), đầu ông lúc nào cũng căng như dây đàn bởi phải lo trả lương cho công nhân, cán bộ, bởi vậy ông kiêm luôn chân... lái xe để tiết kiệm chi phí.

Ông An vui vẻ cho biết: “Tên công ty là do tôi lấy tên của 2 con ghép lại, qua đó muốn nói lên tôn chỉ của công ty, ấy là giữ chữ tín và lương tâm nghề nghiệp”. Bởi thế, khi thi công bất cứ công trình gì lớn nhỏ, ông An đều dặn dò cán bộ, công nhân thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tiếng tăm Doanh nghiệp Lương Tâm làm ăn giữ chữ tín ngày càng lan xa, vì vậy rất nhiều đơn vị trong huyện đã tìm gặp ông An mời thầu xây dựng.

Trong đó, doanh nghiệp của ông An đã thi công nhiều công trình lớn, góp phần làm thay đổi bộ mặt của vùng cao Hàm Yên. Tiêu biểu phải kể đến công trình đường giao thông nông thôn mới từ km 51 đường Tuyên Quang - Hà Giang đi thôn 9 Minh Phú, xã Yên Phú; công trình Trường Tiểu học Hùng Vân, xã Hùng Đức 2 tầng khang trang; công trình mặt bằng Khu tái định cư thôn Tháng 10, xã Yên Lâm (Hàm Yên)…

Hiện nay, ngoài 12 cán bộ, công nhân chính thức của Doanh nghiệp Lương Tâm, ông An còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương khi đơn vị thi công các công trình, trồng và khai thác rừng, chăm sóc cây ăn quả. Đối với cán bộ, công nhân làm việc dài hạn, ông An trả lương từ 6 triệu đồng/người/tháng trở lên và được đóng bảo hiểm đầy đủ; đối với lao động thời vụ, ông trả 200.000 đồng/ người/ngày.

Anh Nguyễn Văn Nhương, nhà ở xã Minh Dân (Hàm Yên) hiện là cán bộ kỹ thuật của Doanh nghiệp tư nhân Lương Tâm cho biết, anh làm việc tại đây đã được hơn chục năm với mức thu nhập ổn định, nhờ đó cuộc sống gia đình khấm khá hơn nhiều… Anh Nguyễn Văn Vinh ở xã Bình Xa (Hàm Yên) cũng chia sẻ, bản thân ông An là Giám đốc công ty nhưng rất gần gũi, giản dị, coi anh em công nhân như người nhà, sẵn sàng giúp đỡ trong công việc và cuộc sống.

Từ mô hình kinh tế tổng hợp (trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, duy trì hoạt động hiệu quả doanh nghiệp xây dựng), mỗi năm gia đình ông An thu về trên 10 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt trên 800 triệu đồng/năm. Gia đình ông An nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng bằng khen. 


  Ông Tạ Quang Học - Bí thư Đảng uỷ  xã Yên Phú (Hàm Yên) cho biết, hộ gia đình ông An luôn có nhiều đổi mới, sáng tạo trong lao động sản xuất và có nhiều hoạt động ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, luôn đi đầu trong thực hiện các phong trào tại địa phương, tham gia xây dựng nông thôn mới.