“Tháng bảy nước nhảy lên bờ”, đó là câu nói cửa miệng của nguời dân quê tôi nhằm “dự báo” mùa mưa lũ đã về. Những cơn mưa giông đầu mùa ào ạt, dữ dội đã làm cho nuớc ngập tràn đồng, cũng là lúc mà các đàn cá rô đồng to béo vàng ươm, bụng chứa đấy trứng đang ngược dòng nước tìm các vệt cỏ ven bờ ruộng để đẻ trứng. Và cũng vì cá rô ngon, béo, nhiều như thế nên mùa này món chột nưa kho cá rô đồng ở quê tôi trở thành món phổ biến mà nhà nhà đều có.
Còn nhớ thời thơ bé, lũ trẻ con chúng tôi cứ vào mùa lũ này là làm bè chuối, hay gấp giấy chơi trò thả thuyền, nhưng thích nhất vẫn là tụ tập nhau đi bắt cá rô đồng về kho với chột nưa. Ôi, những đàn cá rô tức trứng say nước cứ bơi “rẹt rẹt” vào chỗ bờ cỏ rều, cỏ lác. Chúng tôi vừa bắt vừa reo hò sung sướng, quần áo ướt như chuột lột mà đứa nào đứa nấy vẫn mải mê.
Cá rô đã làm sạch.
Lúc sinh tiền, trước khi chế biến, mẹ tôi làm sạch vảy những con cá rô béo vàng còn nhảy tưng tưng. Mẹ vừa làm cá, vừa hay nhắc nhở tôi rằng khi lấy ruột cá phải hết sức khéo léo để không làm dập trứng thì kho cá mới béo và thơm. Cá rô sau khi làm sạch, mẹ bỏ vào rá cho ráo nước rồi ướp với hạt tiêu cùng mấy củ hành tím (xắt lát) và ít nước mắm ngon để khoảng 20 phút cho thấm. Trong khoảng thời gian chờ ướp cá, mẹ tôi sơ chế dưa chột nưa.
Chột nưa là loại cây hầu như chỉ có ở Thừa Thiên - Huế, thuộc họ ráy, thân thảo, trồng nhiều ở các huyện Quảng Điền và thị xã Hương Trà. Nưa ngon có tiếng là nưa được trồng ở làng Tân Xuân Lai thuộc xã Quảng Thọ, huyên Quảng Điền. Cây nưa được dùng để chế biến nhiều món ăn dân dã nhưng rất thơm ngon như nấu canh với cá lóc đồng, hầm với xương heo… hay muối chua ăn với thịt heo luộc, hoặc chột nưa kho cá rô đồng vào mùa mưa lũ ở xứ này thì dễ “nơi mô” có được!
Món chột nưa kho với cá rô.
Cách làm dưa nưa cũng khá đơn giản. Cây nưa sau khi được gọt vỏ thì được thái mỏng thành những sợi dài khoảng 4cm đến 5cm và rửa sach để ráo nước và cho vào hũ sành ướp với nuớc muối. Mẹ tôi hay dặn là chú ý cho thêm ít nước vo gạo thì dưa sẽ có vị chua thơm đặc trưng và có màu vàng rất bắt mắt. Ngâm khoảng 3 đến 5 ngày thì dưa chín. Lúc bấy giờ, “dưa nưa” sẽ được dùng để chế biến nhiều món ngon. Dưa nưa được rửa sach vắt qua cho khô nước để khi kho với cá rô sẽ thấm ngon hơn. Giá dưa chột nưa hiện nay trên thị trường có giá từ 40 đến 50 ngàn đồng/kg, còn cá rô bán tại các chợ ở TP.Huế và các chợ quê ở thị xã Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền… có giá từ 80 ngàn đến 100 ngàn đồng/kg.
Sau khi sơ chế xong cá rô, mẹ tôi um cá với mỡ heo trên chảo nóng (chú ý là kho dưa chột nưa mà dùng mỡ heo sẽ ngon hơn dùng dầu ăn thực vật). Cá rô um vừa chín tới thì bỏ dưa chột nưa vào kho cùng, nêm thêm chút ruốc sẽ dậy lên một mùi thơm và vị ngọt đậm đà rất đặc trưng. Cho lửa nhỏ riu riu kho thêm khoảng muời lăm phút thì dưa thấm và chín mềm, rất thơm ngon! Múc dưa chột nưa kho với cá rô ra dĩa ăn với cơm nóng, vừa lắng nghe mưa rơi vừa nhìn ra cánh đồng làng xem nước lũ tràn về cũng là một trãi nghiệm thú vị mà tuổi thơ tôi không bao giờ quên.
Chẳng thế mà mỗi lần được ăn cơm với món chột nưa kho cá rô đồng, mẹ tôi lại “ngân nga” mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Con cá chột nưa”: “Đầu sàn canh bốc khói/Chén cá nức mùi thơm/Lên hoạ với mùi cơm/Sao mà như cám dỗ…”.