Trò chuyện với chúng tôi, chàng trai 22 tuổi này cho biết, niềm đam mê về máy móc, cơ khí đã theo mình từ khi còn nhỏ. Lên cấp 3, Võ Đông Phú đặc biệt đam mê và học tốt môn Vật lý. Vừa học tốt, Phú còn ứng dụng lý thuyết vào thực tế. Thấy đồ dùng trong nhà như quạt máy, radio, nồi cơm điện bị hỏng Phú đều “mổ xẻ” mày mò sửa đến khi hoạt động lại mới thôi.
Những kiến thức được tích lũy trong những năm còn là học sinh cấp 3 giúp Phú có được nền tảng vững chắc khi vào đại học. Khi bước chân vào khoa cơ điện - điện tử trường ĐH Lạc Hồng, Phú đã tự mình nghiên cứu ra gần chục loại máy phục vụ cho nhu cầu sản xuất của con người.
Qua tìm hiểu, Phú và nhóm bạn nắm bắt những khó khăn của các hộ kinh doanh sản xuất bột ở tỉnh Đồng Nai. Từ đó, chàng kỹ sư trẻ lên ý tưởng và quyết định thiết kế và chế tạo chiếc máy tán bột. Đó chính là hoàn cảnh ra đời của máy đánh tơi bột trong nông nghiệp.
Võ Đông Phú đang bảo trì chiếc máy tán bột.
Theo Phú, cấu tạo của máy khá đơn giản với một thùng chứa bằng inox có nắp đậy phía trên. Bên trong thùng được thiết kế một chiếc rổ bằng kim loại đục lỗ để sàng lọc bột sau khi tách. Khi bột không lọt xuống rổ phía dưới thì trục quay sẽ nhào trộn tiếp tục chia nhỏ khối bột.
“Vì là máy chia tách bột được vận hành bởi hệ thống trục quay với tốc độ rất cao nên vấn đề an toàn khi vận hành máy được để ý đến nhiều. Chúng tôi đã thiết kế thêm phần nắp đậy trước khi vận hành máy để đảm bảo an toàn cho người dùng”, Phú cho biết.
Sau khi đưa vào sản xuất, máy tán bột đã giảm được gánh nặng đáng kể cho người nông dân trong công đoạn tán những tảng bột to, cần nhiều sức lực và góp phần tăng năng suất lao động. “Đặc biệt, với công suất tán bột 1 tấn/ giờ, có khả năng tán được các loại bột thô dạng khối hoặc dạng tảng như bột mì, bột năng..., chiếc máy này đã được sử dụng tại công ty TNHH Anh Hoàng (Đồng Nai - PV) với mức chi phí hợp túi tiền. Đó là một sự khích lệ không nhỏ đối với tôi và những cộng sự”, Võ Đông Phú bày tỏ.
So với các sản phẩm cùng loại, máy đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội như, giá thành rẻ hơn các máy công nghiệp trong các công ty và các máy hiện có trên thị trường; máy được chế tạo từ các chi tiết máy thông dụng, đơn giản dễ tháo lắp, sửa chữa; hoạt động bằng năng lượng điện, không gây ô nhiễm môi trường. Quan trọng hơn nữa là chất lượng bột thành phẩm thu được đảm bảo yêu cầu và đạt vệ sinh, và máy đảm bảo các tiêu chí về an toàn kỹ thuật.
Ngoài máy tán bột ra, Phú còn ứng dụng kiến thức mình học được để sáng chế nhiều loại máy móc tiện dụng như: máy đột dập thủy lực bán tự động, máy in lụa sử dụng công nghệ 2D, máy uốn lá thép tự động…
Về chiếc máy đột dập thủy lực bán tự động, chàng kỹ sư trẻ cũng cho biết thêm, chiếc máy hoạt động trên một xi lanh thủy lực dầu. Dầu được bơm lên một van nhỏ rồi được đưa lên xi lanh. Lực dập lớn nhất lên đến 133.000N tương đương 13,3 tấn. Trên khu vực khuôn dập được bố trí 4 trục lò xo có tác dụng giảm chấn. Khi người sử dụng đưa sản phẩm vào mà có sự chênh khuôn thì các lò xo này có tác dụng hấp thu lực phản hồi. Trên khung máy được bố trí 2 nút bấm vận hành cùng một lúc.
Với những sáng kiến và sự sáng tạo của mình, hai sáng kiến “Máy đột dập thủy lực bán tự động” và “Máy phá bột sử dụng trong công nghiệp” của Võ Như Phú, lần lượt đoạt giải nhì và giải ba trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật được tổ chức thường niên tại tỉnh Đồng Nai.
Chia sẻ về những dự định tương lai, chàng kỹ sư trẻ cho biết, sẽ cố gắng nghiên cứu và tối ưu các máy sao cho nhỏ gọn, nhẹ hơn, khắc phục các nhược điểm để tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng.