Dân Việt

“Tôi chưa từng nghe nói dùng bánh Trung thu kèm rượu ngoại bao giờ"

Quý Nguyễn 21/09/2015 16:44 GMT+7
“Tôi chưa từng nghe nói đến việc dùng bánh Trung thu kèm với rượu ngoại bao giờ. Người ta chỉ ăn bánh Trung thu với nước chè để tăng thêm hương vị bánh và thưởng thức không khí của ngày Tết Trung thu”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.

“Ai lại dùng rượu ngoại với bánh trung thu”?!

Tại quầy bán bánh Trung thu của khách sạn Hà Nội dựng ngay lề đường Trần Huy Liệu, khi được hỏi về loại bánh Trung thu cao cấp nhất, nhân viên bán hàng Lê Thị Vân dẫn PV đến khu vực bày bán hộp bánh có tên Vương Kim Tri Ngộ 21, giá gần 7 triệu đồng/hộp. Vỏ hộp bánh trông giống như một vali nhỏ có quai xách, nắp khóa. Bên trong hộp chỉ có bốn chiếc bánh Trung thu loại 125g/chiếc được đóng gói trong những hộp giấy cứng màu vàng nhạt sang trọng. Giữa hộp là khay đựng chai rượu Ballantines’21.

img

Hộp bánh gồm 4 chiếc kèm 1 chai rượu ngoại  có giá gần 7 triệu đồng

Cầm chiếc bánh Trung thu nhỏ xíu gọn lỏn trong lòng bàn tay, chúng tôi tỏ ý thắc mắc bên trong chiếc bánh này có gì đặc biệt khiến nó trở nên đắt đỏ như vậy, chị Vân giải thích: “Các loại bánh bán kèm rượu đều giống nhau, có nhân sen trắng và lòng đỏ trứng mặn. Còn giá hộp bánh khác nhau là do chai rượu bán kèm thôi”. Theo nhân viên này, năm nay khách sạn Hà Nội có bốn sản phẩm bánh Trung thu bán kèm rượu ngoại hiệu Ballantines là Vương Kim Tri Ngộ, tương ứng với đó là chai rượu Ballantines’ 12, Ballantines’ 17, Ballantines’ 21 và Ballantines’ 30. Trong đó, hộp bánh Vương Kim Tri Ngộ Ballantines’ 30 đắt nhất: 12 triệu đồng/hộp.

Hãy để Trung thu là Tết của thiếu nhi

“Đối tượng chính của ngày Tết Trung thu là trẻ em, vì thế mọi vật phẩm mua sắm trong ngày lễ này đều phải phục vụ nhu cầu của trẻ em. Trẻ em có biết uống rượu đâu mà bán bánh Trung thu kèm với rượu. Hãy để Trung thu là Tết riêng của thiếu nhi”.Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Đặng Hùng Vỹ

Khách sạn Hà Nội không phải nhà sản xuất duy nhất bán bánh Trung thu kèm rượu ngoại. Khảo sát của PV, hầu hết các khách sạn lớn tại Hà Nội cũng như một số thương hiệu bánh Trung thu “có tiếng” đều đua “trào lưu” này. Cụ thể, khách sạn Hilton giới thiệu bánh Gold Vip hộp bốn bánh (mè đen, hương dứa, khoai môn và trứng), bán kèm bộ ấm trà, hộp trà cao cấp và một chai rượu Chivas, giá cao nhất 6 triệu đồng/hộp. Bánh Trung thu của khách sạn Sofitel Legend Metropole có giá 4,6 triệu đồng gồm: 6 bánh lớn và một chai rượu vang. Bánh Trung thu Long Đình An Quý Ballantines’17 bao gồm một chai rượu Ballantines và năm chiếc bánh nhỏ, được quảng cáo do các đầu bếp của Trung Quốc, Hồng Kông làm thủ công từng chiếc bánh…

Khi PV đặt câu hỏi với nhân viên bán hàng tại một khách sạn lớn: “Rượu bán kèm này để uống cùng khi ăn bánh Trung thu?”, chị này nói: “Bán kèm rượu là để làm quà biếu cho sang trọng thôi, chứ ai lại dùng rượu ngoại với bánh Trung thu”, nhân viên này nói.

Rượu kèm bánh: Bất thường, phản khoa học

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, đã là thức uống có cồn thì đều có tác hại với sức khỏe con người, đặc biệt là với trẻ em. Vì vậy, việc một số khách sạn ở Hà Nội bán rượu ngoại kèm bánh Trung thu – sản phẩm dành cho trẻ em là phản khoa học. “Tôi chưa từng nghe nói đến việc dùng bánh Trung thu kèm với rượu ngoại bao giờ. Người ta chỉ ăn bánh Trung thu với nước chè để tăng thêm hương vị bánh và thưởng thức không khí của ngày Tết Trung thu”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói và cho rằng, các lực lượng chức năng cần kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ những loại rượu ngoại đó. “Ngoài ra, cũng phải kiểm tra dây chuyền sản xuất của các đơn vị đó có đảm bảo vệ sinh, chất lượng hay không”, ông Thịnh kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An bức xúc, việc một số khách sạn ở Hà Nội bán rượu ngoại kèm bánh Trung thu là hành vi bất thường và cần phải được thanh tra, kiểm tra ngay lập tức. “Quốc hội đang họp bàn phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia. Đã có rất nhiều hậu quả nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc sử dụng rượu bia”, bà An nói và nhận xét, cả nước đang nỗ lực giảm thiểu tác hại do sử dụng rượu bia nên việc để một dịp lễ dành riêng cho Thiếu nhi như Tết Trung thu có liên quan đến rượu là không chấp nhận được. “Tôi khẳng định mọi hành vi lợi dụng việc bán bánh Trung thu để bán rượu là không được phép và cần phải ngăn chặn ngay”, bà An quả quyết. 

Người tiêu dùng hoang mang về chất lượng bánh Trung thu

img

 Cơ sở bánh Trung thu Bảo Phương vốn đông khách mua mới bị tạm đình chỉ

Thông tin cơ sở bánh Trung thu Bảo Phương (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) bị lực lượng chức năng tạm đình chỉ do vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm khiến nhiều người tiêu dùng Hà Nội hoang mang, lo lắng. Chị Bùi Thị Nga (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết, mấy năm nay, chị vốn là khách “ruột” của cơ sở bánh Trung thu Bảo Phương bởi cơ sở này được quảng cáo là bánh gia truyền, rất an toàn. “Phải xếp hàng cả giờ đồng hồ mới mua được bánh nhưng tôi vẫn chấp nhận vì ít ra cũng có thể yên tâm về chất lượng. Giờ lại có thông tin cơ sở đó bị đình chỉ; rồi cả Kinh Đô cũng vừa bị phát hiện mất vệ sinh. Nói thật là tôi không còn biết tin tưởng mua bánh ở đâu nữa”, chị Nga nói.