Ở miền Tây Nam bộ có hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Tháng tám, tháng chín âm lịch là mùa nước nổi tràn đồng. Theo đó, cá tôm, rùa rắn cũng sinh sôi tạo nên một hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Cũng thời điểm này, dân gian thường hay ra những vùng cỏ rậm nước xâm xấp ở đìa lạn, mương vườn để bắt rắn trun.
Rắn trun dài trên dưới 4 tấc tây (khoảng 40 cm), lưng đen trũi, bụng có khoang trắng khoang đen liên tục. Dân miền Tây Nam bộ bắt rắn trun bằng … tay không, đặt lọp, giăng lưới, … Rắn trun làm món gì ăn cũng ngon, mà còn nên thuốc. Nhưng thú vị nhất vẫn là món rắn trun đem nướng lá nhàu.
Loài rắn trun (góc trên, ảnh nhỏ); lá nhàu cuốn thịt rắn trun (ảnh lớn).
Rắn trun làm thịt rất nhanh. Chỉ cần hơ qua trên lửa hoặc trụn nước sôi, vảy rắn bong ra, lấy lá sả vuột lớp da ngoài, dùng dao mổ sạch bụng là xong. Gan, mỡ và trứng ăn ngon nên không bỏ. Để cho rắn ráo nước, dùng chai thủy tinh dần mạnh, xương rắn sẽ tan hết. Sau đó, người ta dùng dao bén bằm cho da thịt, xương rắn nhuyễn nhừ. Khi bằm nêm luôn ít tiêu xay, hành lá, chút muối hột, bột ngọt, … Thịt nhuyễn quện thành khối để trong tô cho thấm gia vị.
Kế đến, nếu làm món rắn trun nướng lá nhàu, ra sau vườn nhà nơi có những cây nhàu mọc hoang hái lấy lá vừa ăn đem về để gói rắn. Lá nhàu gói thịt rắn nên chọn loại bánh tẻ, nếu quá già sẽ sơ, cứng, cũng không quá non, khi ấy lá mềm, mỏng, khó gói lại không nên thuốc.
Dùng tay gói từng miếng thịt rắn bằm vào lá nhàu, xong xếp lên vỉ nướng trên bếp. Dưới sức nóng của than, lá sạm màu, khô dân, những miếng thịt gói bên trong chảy nước ra, và chín dần.
Gắp miếng thịt rắn trun nướng lá nhàu xếp ra đĩa. Dọn kèm chén nước tương, ớt hoặc nước mắm chua cay. Món này ăn cơm đã ngon, nhậu càng “bắt”, cứ mỗi miếng đưa cay một lý rượu đế nấu gạo cao độ, hàn huyên cùng chúng bạn mà ấm nồng tình ta.