Dân Việt

Cuộc thi viết Tự hào nông dân VN lần 2: Những nông dân thời đại

Văn Chinh 24/09/2015 13:30 GMT+7
Trong gần 1.000 bài bút ký, phóng sự dự thi trong khuôn khổ Cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam lần thứ 2 (2013-2014), báo Nông Thôn Ngày Nay và báo điện tử Dân Việt đã chọn đăng gần 200 tác phẩm với nội dung phong phú, đa dạng.

Nông dân làm giàu có chiều sâu hơn

Cầm trên tay nghiền ngẫm những bài viết tham dự Cuộc thi viết Tự hào nông dân Việt Nam, tôi thật sự ấn tượng với hình ảnh tên lâm tặc ra tù trả nợ rừng, rồi cái gã từng bóc lịch trong nhà đá nay thành ông chủ của tòa nhà 7 tầng cho bồ câu Pháp ở.

img

Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1977) một cựu tù ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành (Quảng Nam) hoàn lương trở về nuôi gà- một nhân vật trong cuộc thi. Ảnh: Linh Nhi

Tôi cũng đặc biệt khâm phục những con người có gan làm giàu, có chí thoát cảnh đời cơ cực, như Lê Mai Hiền mê mải với rừng đến ốm trụi cả tóc, một mình chọi đá bắt đất trơ thành rừng cam ngọt nổi tiếng, hoặc những nông dân ít học mà dám đương đầu với việc của tự nhiên là ấp nuôi hàng ngàn vịt giời, hay lai gà chọi với gà Lương Phượng để ra một thứ gà thương phẩm đắt khách trên thương trường, mù chữ mà lại giỏi ươm giống cây...

Nếu như phần nổi trội ở cuộc thi năm ngoái là các tỷ phú nuôi tôm sú, cá tra thì năm nay có khá nhiều nông dân thành công ở bề sâu hơn, như thâm canh, lai tạo cây con giống: lai ba ba thường với ba ba gai Đài Loan để cho ra giống mới chất lượng hơn; trồng thâm canh hoa hồng trên đất núi Sơn La; kỳ lạ nhất là lão nông “bắt” trai nhả ngọc theo hình vóc do người “đặt hàng”.

Lại có những nông dân năng động làm dịch vụ cho nhà nông như chế tạo máy phóng lúa, gieo đậu phộng; chế tạo các máy gieo hạt trên khay, máy ép giá thể hoặc chọn trồng chanh không hạt nhằm thương phẩm hóa một thứ quả rất đỗi bình thường, hay làm mô hình “hợp tác kiểu ông Ân”, mang rau sạch vào siêu thị hoặc xuất khẩu…

Mỗi đề tài chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn

Các bài viết tham dự cuộc thi đã phản ánh khá đầy đủ, nhiều khía cạnh của những nông dân kiểu mới. Họ chẳng những đủ tài lực hội nhập quốc tế - trước hết là làm chủ thị trường trong nước, mà còn kiên trì và quyết liệt gìn giữ tình làng nghĩa xóm truyền thống – đó là nét tự hào của nông dân Việt Nam, niềm tự hào điển hình cho tính cách người Việt hiện đang bị lung lay bởi văn hóa đang Tây hóa xô bồ.

Đó còn là ý chí nghị lực của những người, theo thói thường là đời đã bỏ đi, vậy mà không những tự đứng vững mà còn tạo việc làm cho hàng chục, hàng trăm lao động. Ý chí và nghị lực đã tạo nên một giá trị mang nét nhân bản mới của nông dân Việt Nam. Đó cũng chính là nét son của cuộc thi năm 2015 này.

Thực ra, bút ký, phóng sự là thể loại dễ viết, nhưng viết hay thì rất khó. Ở cuộc thi năm ngoái không ít những bài “làm văn”, năm nay không có, cái hay của cuộc thi năm nay nằm ở chỗ chọn được đề tài. Chọn được đề tài, nghĩa là tự đề tài đã chứa một câu chuyện hấp dẫn và có sức thuyết phục cao, công việc còn lại là tài nhào nặn của người viết.

Bài “Hợp tác xã kiểu ông Ân” (Trần Văn Việt) viết theo bút pháp khảo sát, giá như tác giả ghi được nhiều chi tiết hơn, ví dụ Ban quản trị làm dịch vụ gì thì “đầu óc” của ông Ân sẽ sống động lên.

Chi tiết, như chuyện bà mẹ của Đỗ Văn Kỳ đẩy xe lăn chở anh từ Bến xe Nước Ngầm về nhà, trong khi đứa con tự hiểu mẹ không còn đủ tiền đi taxi là chỗ rất văn chương (Bay lên từ vực thẳm/ Sơn Gia Bảo); như Hiền trọc (Người yêu rừng xanh đến… trọc đầu/Văn Phúc Hậu); hay như chi tiết Lê Thanh Trị (Nghệ sĩ sáng tạo máy cho nông dân/Song Anh) nghe mọi người than thở sao có giống ngắn ngày để kịp “chạy” vụ đông liền nghĩ rằng cứ gì phải giống ngắn ngày, nếu có máy gieo giống trong bầu thì nông dân có thể ươm bầu trước khi trồng 15 ngày, đó cũng là rút ngắn thời vụ…

Những chi tiết ấy, tự chúng nói lên nhiều điều. Đó là khi ý chí sáng tạo vụt sáng, như thời trung cổ Ngũ Tử Tư nghĩ đến bạc đầu, nó sẽ rẽ ngoặt số phận con người và là bước đầu tiên làm nên thắng lợi.

Những nông dân mới

Ở trên, tôi có nói tôi đặc biệt khâm phục những người có gan làm giàu, bởi trước hết, đó là vấn đề sống còn của nông dân ta trước hội nhập quốc tế. Vì thực ra người Việt nói cần cù chịu khó thì đúng, nhưng nói lười biếng a dua cũng chưa chắc đã sai. Xin bạn đọc làm chứng cho rằng, bệnh “Thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào”, bệnh “Bớt bát mất mặt” hay thậm chí “Ăn đi trước lội nước đi sau”… là những chứng bệnh tự ngàn xưa của người Việt.

"Năm nay có khá nhiều nông dân thành công ở bề sâu hơn, như thâm canh, lai tạo cây con giống: lai ba ba thường với ba ba gai Đài Loan để cho ra giống mới chất lượng hơn; trồng thâm canh hoa hồng trên đất núi Sơn La; kỳ lạ nhất là lão nông “bắt” trai nhả ngọc theo hình vóc do người “đặt hàng”. 
Nhà văn Văn Chinh

Có thể gọi họ là những con người mới, là nông dân thời đại. Đó là ông Đặng Văn Hùng, có gan thuê đất, cải tạo hàng trăm ha đất xấu để trồng cao su; đưa năng suất mía lên gấp 3, đưa chữ đường lên hơn 10; thu 3,5 - 4 tỷ đồng/năm sau khi đã trả lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng (Chiêu cải tạo đất lạ kỳ của lão nông Tây Ninh/Tân Tiến).

Là ông Nguyễn Văn Khanh (Cánh đồng lớn giữa Đồng Tháp Mười/Trần Trọng Trung) làm tới 80ha lúa, mạnh dạn đầu tư máy móc, chọn gieo giống lúa Nhật, xây kho chứa để lúa nhà ông bán được giá cao hơn nhà khác 1.000 đồng/kg. Ông có một ý kiến rất đáng khen ngợi: “…chứ cứ thu xong rồi vứt ngay ở đồng, bảo sao thương lái họ chẳng mua giá thấp”.

Là bà Bùi Thị Ba, từ tay trắng làm nên… nợ lớn rồi từ suýt vỡ nợ thành ra tỷ phú nhờ đặt cược vào cây chanh không hạt, tạo thuận lợi cho công nghiệp chế biến nước cốt chanh không bị lẫn vị đắng của hạt (Duyên số với chanh không hạt/Thuận Hải).

Hay ông “Trường rau” (Người buôn rau xuyên quốc gia/Phương Đông) dám mang rau từ Hải Dương sang bán cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả Rập, Thái Lan... Bây giờ “Trường rau” đã thành thương hiệu, nhưng nhớ cái thời hàn vi, lặn lội từ Nam ra Bắc để bán từng mớ rau mới thấy ông này to gan lớn mật. Còn ông Nguyễn Văn Ba nuôi tới 35.000 con gà, chỉ thiếu nhà máy chế biến xúc xích nữa là bằng nông dân Thái Lan, mỗi ngày thu 5 triệu đồng chỉ nhờ bán trứng, nhưng cái độc đáo là ông Ba chống cự thành công với “bão” cúm H5N1 (Ông chủ trại gà biến chất thải thành điện/Cẩm Châu)... Tôi kính trọng gọi họ là nông dân thời đại. Phần lớn nông dân khác nhờ có họ mà sống sung túc bằng làm thuê, đất nước nhờ có họ mà nền kinh tế đỡ thua trên sân nhà. 

Để kết thúc, tôi muốn trở lại với những số phận “từ máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Có 4 bài (8%) trong số những bài đã đăng viết về các cựu tù và đều là những bài viết hay, như Trịnh Văn Yên (Trả nợ cho rừng xanh/Việt Tùng) từng làm lâm tặc 10 năm, can án, trốn truy nã gần 10 năm rồi ra đầu thú để lĩnh án 10 năm tù. Yên coi như mất toi cuộc đời, vậy mà dám thầu hồ, nuôi gà vịt, vay vốn trồng rừng, gan lì chịu những cú lỗ vốn thảm hại để bây giờ thành hộ thu 3 tỷ đồng/năm. Yên còn tạo việc làm cho các bạn tù với đồng lương khá…

(*) Nhà văn Văn Chinh là thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi.

img