Dân Việt

Tài chính, ngân hàng trong cơn “thử lửa”

30/12/2012 06:18 GMT+7
(Dân Việt) - Năm 2012 thực sự là năm đầy khó khăn của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính với hàng loạt sự kiện gây “sóng gió.

Ngày đen tối của kênh huy động vốn

Sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên, người đang nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu tại nhiều ngân hàng “tầm cỡ” của Việt Nam bị bắt vào ngày 20.8.2012 được xác nhận là có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, tài chính và kinh tế Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều ý kiến gọi đây là “ngày đen tối của thị trường chứng khoán (TTCK)”.

Bởi, thị trường chứng khoán lập tức rúng động với việc cổ phiếu Ngân hàng ACB giảm sàn, kéo theo hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng khác giảm sàn. TTCK khoán trên cả 2 sàn giao dịch giảm gần hết biên độ cho thấy sức ảnh hưởng lớn của sự kiện này đối với hệ thống tài chính.

img
Ngày 21.8, hàng loạt cổ phiếu NH đã bị bán giá sàn. Chỉ số VN-Index và HNX- index giảm mạnh trên cả hai sàn. lê hữu thọ

TS Edmund Malesky- một chuyên gia Mỹ am tường về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam nhìn nhận đây chính là ngày mà "niềm tin kinh doanh giảm mạnh". “Ngày 20.8 là một cú sốc lớn không được dự báo trước đối với tâm lý nhà đầu tư"- Edmund Malesky nhận xét.

TTCK, một kênh huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp trên thị trường tài chính có thể nói là “suy sụp” gần như toàn diện sau sự kiện bầu Kiên, thậm chí đến thời điểm hiện tại, gần hết năm 2012 vẫn chưa thấy le lói dấu hiệu phục hồi.

TS Nguyễn Trí Hiếu - thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình cho biết: Ngoài xử lý những vấn đề căn bản như nợ xấu, sở hữu chéo, rủi ro đạo đức… thì hệ thống ngân hàng cũng phải được hoàn thiện. Một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là củng cố lòng tin của ngân hàng, doanh nghiệp và người dân.

Sau sự kiện bắt giữ bầu Kiên gây “rúng động” TTCK, ngày 7.8 sự kiện sáp nhập Ngân hàng Habubank và SHB cũng được đánh giá là có ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính trong năm 2012. Thương vụ Habubank và SHB là vụ sáp nhập đầu tiên trong lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tổng dư nợ của Vinashin lên đến 3.000 tỷ đồng, không phát sinh lợi nhuận, khiến ngân hàng phải chịu chi phí lãi khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm, đây là số nợ gần như mất vốn khiến thương hiệu của Habubank, một ngân hàng cổ phần đầu tiên của Hà Nội được gây dựng hơn 2 thập kỷ phải “biến mất”. Xót xa hơn khi một Tổng Giám đốc của Habubank sau đó buộc phải vào vị trí nhân viên thu hồi nợ ở Ngân hàng SHB sau sáp nhập.

Thử thách vẫn ở phía trước

Sự kiện bầu Kiên, hay sáp nhập 2 ngân hàng chỉ là 2 trong số rất nhiều những cơn sóng gió mà hệ thống ngân hàng phải đối mặt trong năm 2012. Còn hàng loạt các vấn đề khác như: Chạy đua lãi suất, đóng băng tín dụng… và bao trùm lên tất cả đó là hành trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng vẫn đang tiếp diễn. Theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến, trong năm 2013 khẩn trương xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định hệ thống ngân hàng, tạo niềm tin cho người dân và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được coi là “căn bệnh” cần cứu chữa liên quan đến hệ thống ngân hàng đó là tình trạng sở hữu chéo có nguy cơ gây nên sự lũng đoạn trên thị trường tài chính và làm suy yếu hệ thống ngân hàng.

Chính vì nhận thức được sự nghiêm trọng này, tại Hội nghị quốc tế “Ổn định tài chính khu vực Đông Á” ông Đặng Thanh Bình - Phó Thống đốc NHNN cho biết: Các lỗ hổng trong sở hữu chéo ngân hàng xuất phát từ các quy định trước đây. Để xử lý, ông Bình cho biết, NHNN đang thanh tra, đánh giá thực trạng tài chính, cũng như cổ đông cổ phần của gần 30 ngân hàng. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ ban hành các quy định mới xử lý các bất cập hiện nay và dự kiến ban hành trong năm 2013.

“Trước, chúng ta không cấm một ngân hàng mua cổ phiếu ngân hàng khác, không cấm các cổ đông được sở hữu cổ phiếu nhiều ngân hàng khác nhau. Vì lẽ đó, trong quá trình phát triển, mới xuất hiện nhiều trường hợp mà trước đây ta chưa dự trù được như đã xảy ra thực tiễn ở một số ngân hàng. Cổ đông của các ngân hàng đã có công ty con, các công ty này vay tiền của ngân hàng rồi đầu tư vào các ngân hàng khác dẫn tới chuỗi sở hữu lằng nhằng. Vì thế, đã không tạo ra sự lành mạnh, minh bạch trong hoạt động, tạo nguy cơ rủi ro cho chính các ngân hàng”- Thống đốc Nguyễn Văn Bình đánh giá.