Dân Việt

Thách thức của lạm phát

29/12/2012 06:53 GMT+7
(Dân Việt) - Không phải ngẫu nhiên mà nhiều dự báo lưu ý: Năm 2013 có "tài sản" từ năm 2012 là "rủi ro lạm phát tuy được kiềm chế nhưng biên độ biến động quá thất thường".

"Chỉ tiêu lạm phát" và "chỉ số niềm tin" vẫn được coi là 2 mũi tên ngược chiều nhau. Lạm phát hạ chắc chắn niềm tin sẽ tăng. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà nhiều dự báo lưu ý: Năm 2013 có "tài sản" từ năm 2012 là "rủi ro lạm phát tuy được kiềm chế nhưng biên độ biến động quá thất thường".

Lạm phát luôn là thách thức

img
Lạm phát vẫn có nguy cơ đe dọa cuộc sống người dân (ảnh minh họa).

Theo đánh giá khách quan và ghi nhận của nhiều tổ chức nước ngoài, lạm phát của Việt Nam đã được kiểm soát tốt trong năm 2012. "Việc kiểm soát lạm phát giúp Việt Nam cải thiện đáng kể hình ảnh, bởi việc lạm phát vượt 20% hai lần trong 4 năm qua đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc quản lý kinh tế của Chính phủ" - ông Peter Ryder- Giám đốc điều hành của Công ty Quản lý quỹ Indochina Capital tại Hà Nội nhấn mạnh. Rõ ràng, cho đến thời điểm này, tốc độ lạm phát từng ở mức cao nhất tại châu Á vào năm 2011 đã được kiểm soát tốt.

Có nghĩa là nếu năm 2013 lạm phát được kiểm soát ở mức 6% như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết thì có nghĩa đây là mức lạm phát thấp nhất mà Việt Nam đạt được trong suốt 10 năm qua (dữ liệu lần gần đây nhất mức lạm phát của Việt Nam ở mức dưới 6% là vào năm 2003).

Vietnam Report đã tiến hành điều tra 192 đại diện các doanh nghiệp nằm trong bảng V1000 (top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất) về triển vọng của nền kinh tế năm 2013. Đa số doanh nghiệp tin tưởng vào cam kết của Chính phủ về tỷ lệ lạm phát một con số trong năm 2013. Chỉ có 19% đại diện cho rằng lạm phát năm 2013 sẽ là 2 con số.

Tuy vậy, hầu hết ý kiến các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều cho rằng lạm phát vẫn là bài toán khó có kết quả tốt đẹp nếu thiếu vắng bàn tay điều hành, phối hợp "nhuần nhuyễn" của Chính phủ. TS Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng nhận định, thách thức của năm 2013 vẫn là mục tiêu kiểm soát lạm phát. Nhưng, theo bà Thanh, CPI năm 2013 sẽ ở mức trên 7% một chút.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của Ngân hàng HSBC vừa qua nhận định: Nửa đầu năm 2013, Việt Nam sẽ đối mặt với tình hình lạm phát không mấy thuận lợi, đặc biệt là từ tháng 2 đến tháng 7. Mới đây nhất, trong bản cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam ông Deepak Mishra- Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đặc biệt lưu ý: Đừng nên lạc quan quá với ổn định vĩ mô đã đạt được vừa qua.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chứa đựng quá nhiều rủi ro. Các chuyên gia WB cũng cảnh báo, sức ép nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm của Việt Nam có thể sẽ khiến lạm phát quay lại. "Những rủi ro trong trung hạn có thể nhìn thấy trước đó một số mặt hàng như dịch vụ y tế, giáo dục bị kiểm soát để kìm giá trong ngắn hạn nhưng về dài hạn nó vẫn buộc phải tăng và một khi đã tăng thì nguy cơ lạm phát bùng trở lại là hiện hữu"- ông Deepak Mishra nhấn mạnh.

Để lạm phát quay lại sẽ khó lấy lại lòng tin

"Nếu để lạm phát năm 2013 tăng trở lại thì niềm tin trong điều hành kinh tế sẽ suy giảm và nền kinh tế sẽ vô cùng khó khăn". Đó là chia sẻ của PGS-TS Trần Hoàng Ngân xung quanh chủ đề lạm phát và điều hành kinh tế vĩ mô. Dẫn chứng lại quá khứ, ông Ngân cho biết: Từ đầu năm 2011 chúng ta đã nêu cao mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đến tháng 8.2011, CPI vẫn tăng hơn 23% so với cùng kỳ 2010 và CPI năm 2011 đã ở mức tăng rất cao. Tôi cho rằng, đó là một bài học đáng nhớ và sự điều hành cần có cái nhìn dài hạn.

TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, năm 2013 sẽ đặt ra những vấn đề lớn cho Chính phủ trong điều hành nền kinh tế. Làm gì để nhà đầu tư thấy cuộc chơi này thực sự bắt đầu. Còn nếu vẫn là những chính sách như 2012 thì lòng tin thị trường vốn đang giảm sút có thể sẽ… mất hẳn - ông Thành lưu ý.

Bà Kim Chi- Phó Trưởng ban Phân tích dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cảnh báo: Cộng đồng doanh nghiệp vẫn vô cùng khó khăn, kém lòng tin vào sự phục hồi. Năm 2013 có "tài sản thừa kế" từ năm 2012 là rủi ro lạm phát tuy được kiềm chế nhưng biên độ biến động quá thất thường.