Dân Việt

Hội đàm cấp cao Trung - Mỹ: Gay cấn đến phút chót

Đức Hoàng (tổng hợp) 25/09/2015 06:35 GMT+7
Ngày 25.9 (theo giờ Việt Nam), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, nhưng trước đó, Bắc Kinh không tỏ bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ nào về các vấn đề nóng như Biển Đông hay tấn công mạng.

Mong đợi gì?

Tờ “Thời báo New York" (NYT) bình luận, những vấn đề nổi lên trong quan hệ Mỹ- Trung không phải là vấn đề mới nhưng luôn “nổi sóng” trong những thời điểm quan trọng. Trong bối cảnh căng thẳng này, người ta mong đợi gì từ chuyến thăm Mỹ chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình?

img

Cuộc gặp lịch sử của ông Obama và Tập Cận Bình diễn ra tại Nhà Trắng ngày 25.9 được cả thế giới quan tâm. Ảnh: AP

Chuyên gia Scott Kennedy của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết, ông Tập Cận Bình đã có 2 ngày “thăm dò” dư luận Mỹ khi bắt đầu chuyến thăm ở Seatle. Tuy nhiên, ông Tập không thừa nhận bất kỳ phần sai nào trong các chính sách và hành động của Bắc Kinh và đổ mọi trách nhiệm cho Mỹ về mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai nước. Chuyên gia Kennedy bình luận: “Trọng tâm bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Seatle là biện minh cho chính quyền Trung Quốc trong mọi lĩnh vực mà Washington và Bắc Kinh đối đầu”. Về vấn đề Biển Đông, ông Tập Cận Bình bác bỏ mọi lo ngại của Mỹ đối với việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Về cáo buộc Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công mạng tại Mỹ, Washington đã đe dọa sẽ trừng phạt các quan chức Bắc Kinh. Tuy nhiên ông Tập Cận Bình mô tả cả Trung Quốc và Mỹ đều là “nạn nhân” của tấn công mạng và chỉ đề xuất lập một “ủy ban cấp cao” để thảo luận vấn đề này.

Trước đó, trong bài nói chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp 1 tuần trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, ông Obama cho rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng thực hiện thường xuyên các trách nhiệm của một cường quốc trên thế giới. Ông nói: “Trong một số lĩnh vực khác, họ vẫn coi mình là một quốc gia nghèo nên không thực hiện các nghĩa vụ quốc tế”.

Theo giới phân tích, trong cuộc hội đàm cấp cao Trung–Mỹ ngày 25.9 này, ông Obama cũng có thể đề cập đến việc kinh tế Trung Quốc bị suy yếu phần nào và việc nước này đã nỗ lực để thúc đẩy quan hệ với Mỹ- đối tác thương mại lớn nhất đồng thời là đối thủ địa chính trị chiến lược của Trung Quốc. Đây sẽ là vấn đề giúp cho quan hệ hai nước không bị rạn nứt thêm, ít nhất là trong thời gian ngắn.

Không mong chờ Biển Đông “lặng sóng”?

Theo NYT, ông Thomas Donilon- cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ- cũng đã từng đề cập tới các hành động khiêu khích của Trung Quốc (dưới thời người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình) đối với Mỹ và các đồng minh của họ ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo quân đội Trung Quốc đang "ẩn mình chờ thời". Một số quan chức khác trong chính quyền Mỹ nhận thấy ông Tập Cận Bình là một nhà cải cách năng động, tăng cường quan hệ rộng rãi với Mỹ, nỗ lực đặt quân đội dưới sự kiểm soát của mình. Một số từng là quan chức cấp cao trong chính quyền Obama lại cho rằng điều này sẽ không nhìn nhận được toàn diện về ông Tập Cận Bình vì ông là "người thích mạo hiểm", "người có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc nhiều hơn so với chúng ta nghĩ và không ngại đối đầu" với Mỹ.

Ông Michael J. Green- một chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) từng làm việc tại Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush- nhận định: "Việc nhiều người giả định cho rằng vấn đề hợp tác để đối phó với các mối đe dọa xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu sẽ giúp cải thiện các vấn đề trong các vũ đài địa chính trị là điều chưa đúng". Mỹ và Trung Quốc vẫn còn không ít bất đồng, trong đó phải kể đến vấn đề nhân quyền, Biển Đông, các cuộc tấn công mạng và Nhà Trắng vẫn đang tranh luận làm thế nào để xử lý những bất đồng đó.

Trong khi đó,  tờ Business Review của Australia cho rằng, những bất đồng nghiêm trọng nảy sinh giữa Bắc Kinh và Washington là từ chính sách quyết đoán của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông, căng thẳng leo thang từ những cáo buộc về các vụ tấn công của tin tặc và chính sách trong nước hà khắc hơn bao giờ hết của Bắc Kinh.

Một số nhà phân tích cho rằng mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới này đã đạt tới đỉnh điểm. Trung Quốc đã từng bước giải quyết những vấn đề bức xúc về tấn công mạng để tránh những trừng phạt đáng xấu hổ đối với các công ty của mình trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ. Sự cần thiết giữ thể diện và cam kết về biện pháp trừng phạt cứng rắn đã có tác dụng.

Jeffrey Bader- cựu cố vấn về chính sách ngoại giao của Nhà Trắng- nhắc lại rằng không có chuyến thăm chính thức nào của lãnh đạo Trung Quốc tới Mỹ là dễ dàng cả. Ở chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình, hồ sơ Biển Đông được dự báo là rào cản lớn nhất trong các nội dung thảo luận. Chuyên gia Jeffrey Bader cho rằng không nên mong chờ căng thẳng ở Biển Đông sớm giảm bớt.

  Tuy nhiên, tờ Business Review cũng nêu ra những lý do để lạc quan thận trọng. Cả Washington và Bắc Kinh đều đang có nhiều mối quan tâm chung hơn bao giờ hết như các nguồn gây biến đổi khí hậu, khủng bố lan tràn, sự bất ổn ở Trung Đông và biến động tài chính toàn cầu. Ngoài ra còn có khả năng hai nước sẽ ký một thỏa thuận đầu tư song phương có thể gắn kết họ gần nhau hơn. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã tăng từ 2 tỷ USD năm 1979 lên 592 tỷ USD năm 2014.