Sáng 24-9, hàng chục tiểu thương tại chợ vải Soái Kình Lâm (còn gọi là Thương xá Đồng Khánh, quận 5) - được mệnh danh là chợ vải lớn nhất TP.HCM đã phản ánh về cách tính thuế mới. Đồng thời, tiểu thương cũng mời luật sư tư vấn để có hướng xử lý hợp lý.
Thuế chồng thuế?
Bà Trần Thị Kim Lệ, chủ một sạp vải tại chợ Soái Kình Lâm, cho biết nhiều tháng qua bà nộp thuế theo kiểu khoán, khoảng 8,5 triệu đồng/tháng. Với mức doanh thu khoán (gần 600 triệu đồng/tháng), bà được xuất hóa đơn với tổng giá trị khoảng 600 triệu đồng/tháng, không tính thêm thuế. Nhưng tới đây, khi áp dụng cách tính thuế mới, bà phải đóng thêm 8,5 triệu đồng nữa, tức gấp đôi so với hiện tại.
Các tiểu thương khác cũng cho biết thuế năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 8%-15%. Tùy vào vị trí sạp mà có tiểu thương đóng thuế khoảng 7 triệu đồng/tháng, có tiểu thương gần mặt tiền đường Trần Hưng Đạo B thì đóng trên 11 triệu đồng/tháng (khoảng 130 triệu đồng/năm).
Mới đây, nhiều tiểu thương đã được Chi cục Thuế quận 5 (TP.HCM) mời đến phổ biến Thông tư 92/2015 về cách tính thuế mới, sẽ áp dụng từ 1-1-2016. Thông tư này quy định “Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn”. Theo đó, cứ mỗi hóa đơn xuất ra, tiểu thương phải nộp thuế 1,5% trên doanh số đó, trong khi hiện nay không phải nộp.
Tiểu thương chợ vải cho rằng cách tính thuế mới cao hơn là bất hợp lý. Ảnh: Q.NHƯ
Các tiểu thương cho rằng cách tính thuế theo kiểu mới là “thuế chồng thuế”. Một tiểu thương dẫn chứng: “Theo cách tính mới, tôi vẫn phải nộp thuế khoán 7,5 triệu đồng/tháng và xuất hóa đơn khoảng 500 triệu đồng/tháng thì phải nộp thêm 7,5 triệu đồng/tháng nữa (thuế suất 1,5% trên doanh thu ghi trên hóa đơn). Tính ra phải đóng thuế gấp đôi so với bây giờ”!
Bà Phạm Thị Phượng, tiểu thương chợ vải này, bức xúc: “Bà con tiểu thương ở đây chủ yếu là bán sỉ, bỏ mối cho doanh nghiệp, tiểu thương ở các tỉnh, thành. Những người này bắt buộc phải có hóa đơn vì họ chở hàng từ TP.HCM đi các tỉnh, có thể bị kiểm tra giữa đường, không xuất trình được hóa đơn thì bị tịch thu hàng và phạt hành chính rất nặng”.
Do vậy, theo bà Phượng, việc thu thuế vừa trên doanh thu khoán lại vừa trên hóa đơn là bất hợp lý, bởi xuất hóa đơn ra thì phải đóng thêm thuế. Song với những người không xuất hóa đơn ra thì không chịu thuế, dù doanh thu của họ cũng bằng doanh thu của các tiểu thương khác. “Nhà nước khuyến khích người kinh doanh dùng hóa đơn để minh bạch, rõ ràng về thuế mà sắp tới dùng hóa đơn phải nộp thêm thuế thì chẳng khác gì khuyến khích bán “chui” không hóa đơn!”.
Luật, nghị định không quy định
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho biết cách tính thuế hiện hành với các tiểu thương phân phối, cung cấp hàng hóa là 1% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu khoán, thêm 0,5% thuế thu nhập cá nhân cũng trên doanh thu khoán. Tổng cộng là thu 1,5%. Ví dụ, tiểu thương có doanh thu khoán khoảng 500 triệu đồng/tháng, 6 tỉ đồng/năm thì thuế hằng tháng khoảng 7,5 triệu đồng, hằng năm là 90 triệu đồng. Đây là cách tính phù hợp và đúng với luật, nghị định hướng dẫn.
Ông Xoa phân tích, Nghị định 12/2014 quy định “doanh thu tính thuế là mức doanh thu khoán”. Trong khi đó, đến khi ban hành Thông tư 92/2015, Bộ Tài chính lại quy định “doanh thu tính thuế căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn”. Việc ghép thêm “và doanh thu trên hóa đơn” là “vượt mặt” nghị định lẫn luật.
Trước bức xúc của các tiểu thương, luật sư Trần Xoa giải thích Cục Thuế TP.HCM, Chi cục Thuế quận 5 thực hiện đúng Thông tư 92/2015 nên tiểu thương không nên phản ứng với các cơ quan này, vì họ cũng chỉ là đơn vị thực hiện.
Từ đó các tiểu thương nhất trí rằng sẽ kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 92/2015 theo hướng doanh thu tính thuế chỉ căn cứ trên “doanh thu khoán”, không thu thuế trên “doanh thu trên hóa đơn”.
Khi Bộ Tài chính dự thảo Thông tư 92/2015, chúng tôi đã từng góp ý là cách tính thuế mới bất hợp lý và thực tế đúng như vậy. Bằng chứng là bây giờ tiểu thương phản ứng. Muốn tính theo cách này mà không bất hợp lý thì phải giảm doanh thu khoán đi mới được, xem như chỉ khoán phần nào không tính được bằng hóa đơn thôi. Nếu giữ nguyên mức doanh thu khoán mà thu thêm thuế trên hóa đơn nữa là bất hợp lý. (Một cán bộ của Cục Thuế TP.HCM) Khi tuyên truyền về cách tính thuế mới theo Thông tư 92/2015, các chi cục thuế quận, huyện đều nhận được phản ứng từ tiểu thương các chợ và họ đã phản ánh lên Cục Thuế TP.HCM. Chúng tôi đều có ghi nhận những phản ánh trên và sẽ tổng hợp gửi Bộ Tài chính. Ông NGUYỄN ĐÌNH TẤN, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Đóng thuế cao hơn Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư 92/2015 do Bộ Tài chính ban hành thì doanh thu tính thuế của cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (cơ quan thuế thu dựa trên một mức doanh thu cố định hằng tháng) có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn... Nghĩa là cá nhân kinh doanh phải đóng thêm thuế riêng cho các hóa đơn mua thêm, ngoài khoản thuế đóng dựa trên doanh thu khoán. Như vậy, số thuế phải đóng của cá nhân kinh doanh theo phương pháp khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế từ 1-1-2016 sẽ cao hơn so với hiện tại. |