Những việc làm này của UBND xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa gây bức xúc trong nhân dân.
Năm 2007, tận dụng đất trống trong khuôn viên trụ sở UBND xã, chính quyền Nghĩa Thắng đã đầu tư trồng 1ha keo. Đến giữa tháng 3.2012, xã thu hoạch và bán số keo trên được trên 50 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình mua bán không được đấu giá, không có chứng từ hóa đơn và không nộp tiền vào ngân sách theo đúng quy định.
Vì vậy, không ai biết số tiền trên sử dụng vào mục đích gì. Một số người dân thẳng thắn: Tiền đầu tư thì lấy từ ngân sách, đất trồng thì là của công, thế nhưng mua bán, nộp, thu chi mập mờ. Chưa hết, theo phản ánh của người dân Nghĩa Thắng, dù chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng huyện, tỉnh; đồng thời UBND tỉnh cũng đã ra văn bản dừng khai thác cát trên sông Trà Khúc, thế nhưng từ nhiều tháng qua, UBND xã Nghĩa Thắng vẫn tự ý cho một số cá nhân khai thác cát tại bờ sông Trà Khúc, đoạn qua khu vực thôn An Tráng, và thu phí 2 triệu đồng/tháng, không có chứng từ, hóa đơn.
Ông Võ Thái Truyền - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng lý giải: Tháng 4 vừa qua, xã đón nhận danh hiệu văn hóa, chi phí gần 130 triệu đồng. Huyện chỉ hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng, nên xã phải bán vườn keo để trang trải. Hóa đơn, chứng từ bán keo tuy trả lời là có, thế nhưng sau một lúc lục tìm trong tủ, ông Truyền nói không thấy. Về việc cho khai thác cát để thu phí, ông Truyền cho biết: Xã cho phép người dân lấy cát để làm nhà, xây mộ, vì họ nghèo không đủ tiền mua. Còn chuyện thu phí khai thác, theo ông Truyền là nhằm tạo nguồn thu để sửa chữa đường trên địa bàn xã.
Công Xuân