Thiếu đất sản xuất
Gia đình bà Ka Đẻo ở thôn 5 xã Tam Bố, huyện Di Linh có 14 khẩu nhưng chỉ có 5 sào đất nông nghiệp trồng cà phê. Để nuôi sống chừng ấy miệng ăn, không còn cách nào khác gia đình bà đành phải lấn chiếm thêm 5 sào đất rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Tam Hiệp (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp). Cách nhà bà Ka Đẻo không xa, gia đình ông K’Brel mấy năm qua cũng đã lấn chiếm của công ty này gần 1 mẫu đất. Ông K’Brel bảo: “Biết lấn chiếm đất rừng của lâm trường là sai nhưng không còn cách nào khác, hơn 5 sào đất được xã chia cho hơn 30 năm qua đã không còn nuôi đủ số nhân khẩu ngày càng tăng (hiện tại 7 người) của gia đình”.
Sống gần rừng nhưng người K’ho ở Tam Bố thiếu đất sản xuất nghiêm trọng. Ảnh: P.P
Đặc biệt ở thôn 4 và thôn 5 của xã, nơi có đa số người dân tộc K’ho sinh sống, hầu như gia đình nào cũng phải lấn chiếm trái phép đất rừng. Ông K’Brưi – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 4 cho biết, nhiều gia đình ở đây đã bị công ty phạt, thu hồi diện tích đất lấn chiếm, nhưng thu hồi chỗ này thì họ lấn chiếm khai hoang chỗ khác.
Ông Đào Văn Vị - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Bố cho biết: “Tuy xã có diện tích đất tự nhiên lớn nhất huyện với 27.690ha nhưng trong đó hơn 25.000ha là lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp. Trong khi, xã có 1.700 hộ với hơn 7.000 khẩu mà chỉ có hơn 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp nên người dân thiếu trầm trọng đất sản xuất”.
Quản lý sử dụng đất không hiệu quả
"Việc thiếu đất sản xuất không chỉ cản trở công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế -xã hội mà còn gây mất an ninh trật của địa phương. Bởi lẽ, người dân thiếu đất sẽ xuất, không có việc làm nên họ vào rừng khai thác gỗ trái phép. Một số khác thì nảy sinh rượu chè và một số tệ nạn xã hội khác...”. |
Trong khi người K’ho ở xã Tam Bố đang thiếu đất sản xuất thì Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp lại đang “ôm” tới 25.000ha. Tuy nhiên, theo thừa nhận của lãnh đạo công ty, hiện trong hàng chục ngàn ha chỉ đạt khoảng 50% diện tích che phủ rừng, có 3.000ha đã bị người dân xâm chiếm trồng cà phê từ nhiều năm qua. Theo ông Trần Anh Tuấn- Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp, những năm qua, công ty đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, xử phạt hành chính và đặc biệt là giao khoán rừng cho các hộ dân. Đến nay có 150 hộ dân được nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích 3.000ha. Nhưng với mức tiền công bảo vệ rừng quá thấp (200.000 đồng/ha), tính ra mỗi hộ nhận bảo vệ 20ha thì cũng chỉ nhận được 4 triệu đồng/năm.
“Trong đề án đổi mới sắp tới, công ty sẽ đề nghị chuyển hẳn sang mô hình hoạt động công ích. Theo đó, công ty sẽ cắt 3.000ha đất đã lấn chiếm giao về cho địa phương để cấp bìa đỏ cho người dân sử dụng lâu dài; diện tích còn lại sẽ giao khoán dần cho người dân chăm sóc bảo vệ. Nếu được như vậy, một phần sẽ giải quyết được tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân, mặt khác giúp công ty và địa phương phục hồi và bảo vệ được rừng, mang lại sinh kế lâu dài cho người dân” – ông Tuấn chia sẻ.