Có bằng đại học vẫn không xin được việc
Cộng đồng mạng từng xôn xôn trước câu chuyện chị Bùi Thị Lệ Hương bán bún đậu ở phố Ngõ Huyện- Hoàn Kiếm- Hà Nội. Không ít người thấy xót xa khi biết rằng Lệ Hương từng học rất giỏi, đỗ 2 trường đại học và tốt nghiệp bằng khá cử nhân Luật nhưng rốt cuộc vẫn không xin được việc.
Năm 2012, từng có thanh niên tên là Huỳnh Ngọc Thành đạp xe khắp đường phố Tp.Hồ Chí Minh, treo bảng tự quảng cáo: “Tôi cần một công việc. Tôi có bằng đại học ngành tài chính ngân hàng, có các chứng chỉ của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước; biết lập trình MATLAB, C++, VBA for EXCEL. Liên hệ:…”.
Giữa tháng 8 vừa qua, người ta lại bắt gặp một nam thanh niên cầm tấm biển đứng xin việc giữa đường phố Hà Nội với dòng chữ: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi”. Được biết chàng trai này tên là Phùng Đức Ninh, sinh năm 1990, mới tốt nghiệp Đại học Điện lực. Với lý do luôn nhận được những cái lắc đầu khi đi xin việc, Ninh đành dùng cách không giống ai, hy vọng có cơ hội kiếm được việc làm.
Ông bố trẻ ôm tấm biển xin việc đứng bên đường gây xôn xao dư luận .
Có lẽ, chỉ cần nhắc ra vài ví dụ như thế cũng khiến người ta phải giật mình. Càng giật mình hơn khi theo số liệu thống kê 3 tháng đầu năm 2015 thì có gần 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trên cả nước.
Mỗi năm, Văn miếu Quốc tử giám vinh danh hàng chục đến hàng trăm thủ khoa các trường đại học. Nhưng liệu có bao nhiêu người trong số đó sẽ có được công việc tốt, thu nhập khá sau khi ra trường?
Rất nhiều gia đình, thậm chí, phải bán ruộng, bán vườn, bán “đầu cơ nghiệp” để nuôi con 4 năm đại học ở thành phố với mong ước đổi đời. Nhưng sinh viên ra trường lại không xin được việc, lại về quê mua ruộng, sắm trâu.
Chưa nói đến những mục tiêu, trách nhiệm lớn lao như làm giàu cho quê hương, đất nước mà ngay cả nhiều sinh viên có bằng đại học, thậm chí tốt nghiệp với điểm cao vẫn phải về ngửa tay xin tiền bố mẹ sau một thời gian “quăng quật” với trường đời.
Ngày 03/12/2013, hẳn không ít người Việt bàng hoàng và hãnh diện khi Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) công bố kết quả đánh giá học sinh quốc tế 2012 (PISA). Theo đó, Việt Nam đứng ở vị trí 17 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đánh giá. Điểm số của Việt Nam vượt xa nhiều quốc gia phát triển, như: Pháp (vị trí 25), Vương Quốc Anh (vị trí 26), Liên bang Nga (vị trí 34), Hoa Kỳ (vị trí 36)…
Năm nào cũng bội thu thủ khoa, huy chương vàng Olympic... nhưng Việt Nam vẫn nghèo (Ảnh minh họa)
Việt Nam giỏi hơn cả các cường quốc. Vậy, sao Việt Nam vẫn nghèo?
Có những vùng quê được mệnh danh là “đất học”, là “làng thủ khoa”… mà sao bao đời nghèo vẫn hoàn nghèo? Chúng ta có nhiều huy chương vàng, bạc, đồng những cuộc thi Olympic toán, lý, hóa quốc tế. Vậy, có bao nhiêu người trở nên giàu có từ những tấm huy chương ấy?
... Vì người Việt thừa kiến thức, thiếu kỹ năng
Đúng là học sinh, sinh viên Việt Nam học rất giỏi, kết quả thi cử lúc nào cũng cao đối với những đề thi mang tính lý thuyết, còn trên thực tiễn thì hiếm khi triển khai được lý thuyết. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho việc điểm số không phải là tất cả.
Cùng khóa với với tôi, nhiều sinh viên báo chí trường ĐH KHXH&NV đạt bằng giỏi nhưng lại phải về quê dạy học. Bởi, họ thiếu kỹ năng làm báo. Bởi, không ít tòa soạn đã nói thẳng với sinh viên rằng họ sẵn sàng nhận một người tốt nghiệp trung bình nhưng biết làm nghề hơn là nhận một tấm bằng giỏi nhưng chẳng biết làm gì.
Cái mà các nhà tuyển dụng cần chính là kỹ năng, sự táo bạo, sáng tạo, dám phản biện, dám “lội ngược dòng”. Những thứ mà sinh viên Việt Nam hầu như không bao giờ tìm thấy nếu chỉ ngồi trên ghế giảng đường đại học. Thực tế chứng minh, những sinh viên chịu khó đi làm thêm, cộng tác với các cơ quan báo chí ngay từ khi còn đi học đều dễ dàng tìm được công việc tốt sau khi ra trường.
Khác với trường học, ở trường đời, sẽ không có ai kiểm tra bài, không có ai nhắc nhở ta khi làm sai, không ai ngồi cùng ta mà chính ta phải tự bơi trên con thuyền của mình. Sẽ chẳng có thang điểm nào cả. Dòng đời sẽ xô đẩy một cách tàn nhẫn không thương tiếc. Ở trường học dạy học sinh, sinh viên không được làm sai. Nhưng trường đời lại dạy bạn phải nếm thất bại trước khi thành công.
Giới trẻ Việt Nam thừa kiến thức thiếu kỹ năng (Ảnh minh họa)
Người trẻ Việt Nam, mấy người dám ước mơ và dám sống với ước mơ? Ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường cấp 3, hầu như học sinh nào cũng được “lập trình” sẵn là “học để đỗ đại học”. Vào đại học rồi thì “học để ra trường có tấm bằng đẹp”. Ra trường rồi, cầm tấm bằng, cố hết sức người sức của để xin vào một cơ quan nào đó. Và làm, cho đến chết. Nhiều người, cả cuộc đời không biết mình đam mê cái gì, cũng không hoài bão, không lý tưởng để theo đuổi.
Có bao nhiêu sinh viên dám dấn thân, tự đi tìm cơ hội cho mình ngay từ khi vẫn còn đi học? Ông bố trẻ cầm biển xin việc đứng ở ngã tư kia, thay vì đứng đó thu hút đám đông hiếu kỳ, sao không tự tìm đến các nhà tuyển dụng và nói cho họ biết anh đang có những gì. Cả chàng trai đạp xe khắp Sài Gòn kia nữa, thay vì khoe các bằng cấp, chứng chỉ, sao không khoe mình có thể làm những gì...
Dám nghĩ, dám làm, dám thể hiện bản thân. Đó là một trong những chìa khóa đầu tiên để người trẻ có thể thoát nghèo. Tất nhiên, những kỹ năng này, không phải ai sinh ra cũng có sẵn.
Giáo dục Việt Nam những năm gần đây cũng đã bắt đầu quan tâm đến đào tạo kỹ năng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn còn loay hoay trong việc phải dạy kỹ năng như thế nào cho đúng? Vụ sách dạy trẻ dẫm lên thủy tinh gây tranh cãi trong thời gian qua là một ví dụ điển hình cho việc không phải cứ “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Muốn học hỏi phương Tây cũng phải có sự chọn lọc sao cho phù hợp với phong tục, lối sống của người Việt.
Làm sao để giàu? Làm sao để những người giỏi không uổng phí tài năng? Chẳng có công thức chung nào cả. Hãy cứ làm những gì bạn đam mê, dám dấn thân sáng tạo, rồi thành công sẽ đến.
Giàu không mua được hạnh phúc nhưng nếu cứ nghèo mãi, rất có thể, bạn sẽ đánh mất hạnh phúc của mình.