Dân Việt

Lãng phí tiềm năng khí sinh học

28/12/2012 09:24 GMT+7
(Dân Việt) - Nguồn khí sinh học (KSH - biogas) của nước ta khá dồi dào và có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, việc tận dụng KSH vào sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn chưa hiệu quả.

Chưa tận dụng hết hiệu quả

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Khí sinh học Việt Nam, tính đến năm 2011, qua dự án chương trình KSH cho ngành chăn nuôi Việt Nam do Chính phủ Hà Lan tài trợ, nước ta đã có 130.000 hầm biogas được xây dựng tại 53 tỉnh thành. Mỗi công trình biogas được xây dựng giúp giảm thiểu được ô nhiễm môi trường với 5,3 tấn khí CO2/năm.

img
Các công nhân đang xây dựng hệ thống thu gom khí sinh học.

Việc phát triển KSH còn góp phần tạo ra nguồn năng lượng sạch, xử lý chất thải từ sản xuất nông nghiệp đồng thời tạo ra các giá trị gia tăng cho nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Đặc biệt nguồn nguyên liệu dùng để sản xuất KSH hoàn toàn có sẵn như phế thải trong sản xuất, chế biến nông lâm sản, sản xuất chăn nuôi...

Nhưng trên thực tế, việc sử dụng KSH vẫn chưa xứng với tiềm năng. Theo thống kê của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, hiện nay tại khu vực phía Nam chỉ có một số ít đơn vị tận dụng hiệu quả KSH làm nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất như: Dự án tận dụng khí biogas đốt lò hơi thay thế dầu FO của Công ty Mía đường Tuy Hòa (Phú Yên); Dự án tận dụng khí biogas để phát điện tại Nhà máy Bia Sài Gòn (TP.HCM); Dự án tận dụng khí biogas trong sản xuất của Nhà máy Tinh bột Sơn Hải (Quảng Ngãi)...

Quyết định 1855/2007 của Thủ tướng Chính phủ về KSH đề ra các mục tiêu: Phấn đấu tăng tỷ lệ nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo từ 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp (2010) lên 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.

Bên cạnh đó, hiện nay có một số nhà máy sản xuất bột mì ở Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước đang nghiên cứu tận dụng nguồn KSH để ứng dụng cho sản xuất. PGS-TS Dương Nguyên Khang của Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng, đất nước ta có đến 70% dân số phục vụ ngành nông nghiệp. Do đó KSH cần được chú ý như một phần quan trọng trong hệ thống nông nghiệp và cần phải suy nghĩ rằng nguồn KSH không chỉ để dùng cho đun nấu.

Hỗ trợ phát triển KSH

PGS-TS Bùi Xuân An (Trường Đại học Hoa Sen, TP. HCM) nhận định, sở dĩ nước ta chưa tận dụng được nguồn KSH trong sản xuất là bởi còn nhiều trở ngại. Trong đó trở ngại lớn nhất là về vốn, bởi các công trình này vốn đầu tư lớn, khả năng hoàn vốn lâu. Trong điều kiện hiện nay, người chăn nuôi đang gặp khó khăn, nếu như kêu họ lắp đặt hệ thống KSH thì sẽ không làm được. Do đó khả năng nông hộ tham gia rất khó.

Bên cạnh đó trong cơ chế chính sách của nước ta hiện nay chưa chú trọng đến việc đưa năng lượng từ KSH vào ngành điện năng, khí thu gom từ hệ thống về dùng không hết thì đốt bỏ đi, đó là sự lãng phí. Còn PGS-TS Dương Nguyên Khang cho biết thêm hiện công nghệ xây dựng hệ thống KSH chưa được phổ biến. Nên nhiều đơn vị, nhiều hộ dân có điều kiện vẫn không biết tiếp cận như thế nào.

Theo đại diện Hiệp hội Khí sinh học Việt Nam (VBA), để khai thác tối đa và có hiệu quả nguồn năng lượng KSH, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như nông dân về tài chính, đất đai, tín dụng, thuế cũng như kỹ thuật... Đồng thời đánh giá lại tiềm năng và xây dựng quy hoạch năng lượng sinh học theo từng vùng cho các quy mô phát triển.