Cuộc đời “dữ dội” của Nàng tiên cá
Hans Christian Andersen đã viết chuyện cổ tích "The Little Mermaid" (Nàng tiên cá) năm 1837. Những ai qua thời thơ bé đọc truyện cổ tích của Andersen đều không thể quên được chuyện về Nàng tiên cá nhỏ bé chấp nhận tan thành bọt biển để hoàng tử - người nàng yêu - được sống hạnh phúc. Và cũng chính câu chuyện đó kéo tôi tới thăm đất nước Bắc Âu xinh đẹp này.
Các chuyến tàu mui trần đưa du khách từ biển vào thăm nội thành Copenhagen. |
Không đi qua các công ty du lịch, cũng không có hướng dẫn viên nhưng tôi nhanh chóng tìm được nàng nhờ bản đồ rõ ràng và hệ thống xe buýt quá đỗi tiện lợi của Copenhagen. Tự mò đường đi qua công viên Kastellet tuyệt đẹp, trước mắt chúng tôi là dãy dài hàng trăm xe du lịch lớn nhỏ, chở ít nhất hàng ngàn du khách tới thăm Nàng trong buổi sáng mùa hè Bắc Âu trong vắt, se se lạnh.
Hiện giờ, dọc bờ biển Copenhagen đã có thêm hình ảnh mới là những tua bin điện sức gió. Trên cầu cảng Krydstogtskibe, những con tàu du lịch to như những khách sạn khổng lồ tấp nập ghé bến. Bên cạnh những thứ khổng lồ ấy, nàng tiên cá ngồi trên một tảng đá granit chênh vênh, trông hết sức nhỏ bé, lặng lẽ, khuôn mặt u buồn nửa hướng vào bờ, nửa nhìn ra biển. Khuôn mặt Nàng thể hiện tâm trạng sẵn sàng tan thành bọt biển, chứ không thể cầm dao đâm vào tim hoàng tử, để sống tiếp cho trọn 300 năm. Tuy nhiên, dù đã lựa chọn, dường như Nàng tiên cá tuổi 16 ấy vẫn đang lưỡng lự, vẫn ao ước một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc như những-con-người-có-đôi-chân.
Bức tượng Nàng tiên cá nhỏ bé ấy thực sự thỏa mãn cảm giác của du khách - những người đã từng đọc Andersen bởi sự u buồn nhưng không tuyệt vọng, bởi sự tin tưởng vào tình yêu, sống và chết vì tình yêu không toan tính. Một cảm giác lãng mạn, trong sáng…
Tuy nhiên, cũng như cuộc sống ngắn ngủi nhưng dữ dội trong câu chuyện cổ tích, bức tượng Nàng tiên cá nhỏ bé cũng trải qua bao thăng trầm. Nàng được nhà điêu khắc Edward Eriksen (1876 - 1954) tạc bằng đồng và dựng tại bến cảng Copenhagen ngày 23.8.1913, theo đơn đặt hàng của Carlsberg Jacobsen - người sáng lập ra Hãng bia Carlsberg - tặng thủ đô Copenhagen.
Từ khi được tạc tới nay, nàng đã trải qua 8 lần bị phá hoại, trong đó có 3 lần bị... chặt đầu, 1 lần bị đánh thuốc nổ. Ngoài ra, ban đầu dáng ngồi chênh vênh của Nàng chưa được gắn cứng nên năm 2003 Nàng còn bị đẩy xuống biển. Sau đó người ta đã phải làm khuôn và gắn chặt Nàng trên tảng đá, nơi Nàng đã ngồi gần 90 năm qua.
Trò chuyện với chị Louisiana - một người dân sống gần cảng, chúng tôi được biết, ngày 23.8 hàng năm được người dân Copenhagen coi là ngày sinh nhật nàng. Cứ mỗi năm, thành phố sẽ chọn số cô gái trẻ tương ứng với số tuổi của Nàng tiên cá, bơi lội phía sau bức tượng. Ngoài ra còn có nhiều lễ hội trên bờ biển ngày hôm đó, trong đó có các cuộc thi bơi nổi tiếng.
Nàng tiên cá trên bến cảng Krydstogtskibe. |
“Đại sứ du lịch”
Dù không là thực thể sống, nhưng bức tượng Nàng tiên cá thực sự là một đại sứ du lịch cực kỳ quan trọng của Đan Mạch. Tháng 5.2010, Nàng có chuyến “viễn du” sang Thượng Hải (Trung Quốc) 6 tháng. Kết quả là giờ khách du lịch thăm Đan Mạch phần lớn là người Trung Quốc.
Chị Tz Wei - du khách từ thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) cho biết, vì yêu những câu chuyện của Andersen, vì thủ tục du lịch từ Trung Quốc sang Đan Mạch khá dễ dàng, nên chị quyết định sang thăm đất nước của Nàng tiên cá, dù chị đã được ngắm tượng tại Thượng Hải cách đây 2 năm.
Chặng đường Nàng tiên cá đi tìm hoàng tử cũng là tour du lịch hết sức hấp dẫn. Ít có truyện cổ tích nào lại dựa vào thực tế nhiều như truyện cổ của Andersen. Từ bến cảng nơi Nàng tiên cá ngồi có nhiều tuyến tàu mui trần đưa du khách ngược dòng từ bờ biển qua các con kênh len lỏi vào trong nội thành Copenhagen. Trong đó có tuyến đi rẽ qua bảo tàng Do Thái, thư viện Hoàng gia Đan Mạch và chạy qua cổng phía sau của cung điện hoàng gia Christiansborg.
Chị Louisiana cho biết, bất cứ con kênh nào ở Copenhagen cũng thông ra biển, và vì thế, nếu nàng tiên cá có thật, hẳn Nàng cũng theo con đường này để tìm hoàng tử, người đã được Nàng cứu sống trong một trận cuồng phong ngoài biển. Và nàng hoàn toàn có thể náu mình dưới nước để ngắm nhìn cuộc sống của những người có chân trần trên bờ, y như trong mô tả của văn hào Andersen.
Con kênh này cũng chạy qua Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch, nơi tổ chức nhiều cuộc triển lãm liên quan đến lịch sử Đan Mạch, vũ khí và trang phục của thời đại đồ đá. Sau đó là những quảng trường nhỏ bất ngờ xuất hiện giữa những con phố dài cổ xưa lát đá.
Cách đó không xa là tòa thị chính thành phố, nơi đặt tượng của Andersen. Ông ngồi khá bệ vệ trên vỉa hè, ngay phía sau tòa thị chính. Bức tượng này - cũng như tượng Nàng tiên cá, thu hút rất nhiều du khách tới thăm. Điều đó cho thấy, trong mỗi trái tim du khách, những dư âm diệu kỳ của câu chuyện cổ tích thời thơ bé vẫn còn rất mãnh liệt, và dư âm đó đã giúp cho ngành du lịch Copenhagen ăn nên làm ra.
Huyền Thanh