Dân “đầu hàng”, cát tặc hoành hành
Dọc bờ sông Krông Nô qua thôn 3, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô (dài khoảng 1,5km) đất đai của người dân hầu như đều bị ảnh hưởng bởi việc khai thác cát. Bà Y than thở: Trước đây, ngày ngày gia đình bà phải thay nhau canh chừng không cho tàu vào gần đất của mình hút cát. Nhưng cuối cùng gia đình bà cũng phải “đầu hàng” không thể canh giữ được. Trước nguy cơ ruộng vườn của mình sẽ đổ xuống sông, bà Y đành “cắt” 1 sào đất bán cho cát tặc lấy 12 triệu đồng. Bà Y bảo, làm vậy dù sao cũng vớt vát được chút đỉnh, không bán đi, đất sạt lở hết thì trắng tay.
Không riêng bà Y mà ở xã này, nhiều hộ dân khác cũng phải “đầu hàng”, chấp nhận bán đất cho cát tặc. Theo ông Dương Văn Thành-Trưởng thôn 1, xã Buôn Choah, hộ trước bán, hộ kế bên cũng đành phải bán theo vì sợ sạt lở. Bởi từ khi mua đất, cát tặc đặt vòi rồng vào tận vườn để hút cát khiến các diện tích đất kế bên bị ảnh hưởng.
Ông Huỳnh Long Quốc - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Nô, cho biết, có 11 hộ đã bán đất cho cát tặc. Tuy nhiên, huyện không thể xử lý do việc mua bán diễn ra lén lút, không nắm được bằng chứng.
Ông Nguyễn Văn Thinh - Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choah, cũng xác nhận có tình trạng dân bán đất cho các chủ tàu khai thác cát. Song việc mua bán không thông qua xã nên không thể ngăn chặn và thống kê cụ thể. Xã chỉ có thể tăng cường tuyên truyền người dân giữ đất nhằm ngăn tình trạng sạt lở lấn vào sâu hơn.
Đã có khoảng 60ha đất của dân bị sạt lở do cát tặc hoành hành, khai thác cát trái phép. Ảnh: Duy Hậu
Khó vì “ranh giới bất phân”
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đăk Nông, thời gian qua, việc khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp tại các xã Buôn Choah, Nâm N’Đir, Đăk Nang và Quảng Phú của huyện Krông Nô.
Thống kê trong 2 năm 2014 - 2015, ở phía bờ sông của Đăk Nông có 6/9 tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép, trong đó có 3 tổ chức, cá nhân đã bị xử lý. Phía bờ sông thuộc địa giới hành chính của Đăk Lăk có 7 tổ chức, cá nhân đang khai thác cát.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông, việc cấp phép khai thác cát không được cắm mốc vị trí, diện tích; ranh giới (trên sông) giữa 2 tỉnh không được phân định cùng với địa hình khó khăn, sông nước cản trở khiến việc tuần tra, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép rất khó khăn. Khó khăn ở đây là khó trong việc bắt quả tang việc các tổ chức, cá nhân ở địa phận bên này “thò vòi” sang địa phận bên kia để khai thác cát.
Mới đây, đại diện 2 tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông đã phải ngồi lại để cùng bàn biện pháp xử lý. Tại buổi họp này, 2 bên thống nhất quản lý chặt chẽ hơn các đơn vị được cấp phép khai thác cát. Ngoài việc phải khoanh vùng quy hoạch khai thác, cắm biển cấm tại các vùng sạt lở, các đơn vị được cấp phép phải gắn biển, logo… tàu, thuyền để dễ dàng cho việc quản lý. Hai tỉnh cũng đã đề ra quy chế phối hợp, lập đường dây nóng… để ngăn chặn cát tặc.
Từ năm 2010 đến nay, Công an tỉnh Đăk Nông đã phát hiện 16 vụ khai thác cát trái phép, xử phạt 17 tổ chức, cá nhân với số tiền gần 400 triệu đồng. Cơ quan chức năng huyện Krông Nô cũng phát hiện và xử phạt hành chính đối với 4 tổ chức, cá nhân về hành vi này. |