Dân Việt

Lương tháng 4 triệu, mất 3,5 triệu thuê ô sin

Hạ Nhiên 06/10/2015 09:39 GMT+7
Chị Thoa chia sẻ, tháng nào cầm lương về cũng chỉ còn 500 nghìn đồng, trong khi lương chồng cũng chẳng khá khẩm hơn.

Đối với một số cặp vợ chồng trẻ mới sinh con, phải đi làm giờ hành chính, lại không có ông bà nội, ngoại giúp đỡ, thuê giúp việc là giải pháp tốt nhất. Mặc dù, số tiền bỏ ra để thuê một người giúp việc không hề nhỏ, lại thêm đủ thứ chuyện lằng nhằng khi bỗng nhiên phải sống chung với người lạ nhưng đó vẫn là việc không thể… đừng.

Cũng vì vậy mà câu chuyện về người giúp việc trở thành chủ đề “tám” rôm rả của nhiều bà mẹ bỉm sữa. Bên cạnh những bực bội về chuyện người giúp việc “trái tính” là những lời than vãn về nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”… phải trả cho người giúp việc.

Lương không đủ thuê giúp việc

Mức lương của người giúp việc phụ thuộc vào thời gian, khối lượng công việc cũng như thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu hiện nay của một người giúp việc ăn, ở tại nhà là từ 3,5 đến 4 triệu/tháng. Với một số gia đình đặc biệt, mức lương của người giúp việc còn có thể lên đến 5, 6 triệu/tháng, chưa kể chi phí ăn, ở và nhiều khoản sinh hoạt khác.

img

Thuê giúp việc không phải là chuyện đơn giản với một số cặp vợ chồng trẻ (ảnh minh họa)

Ấy vậy mà đối với những cặp vợ chồng có con nhỏ, làm việc theo giờ hành chính, lại không có ông bà nội, ngoại giúp đỡ, họ đành phải thuê giúp việc. Dẫu biết, có khi lương vợ hoặc chồng không đủ để trả tiền thuê ô sin nhưng vẫn phải “bấm bụng” trả một số tiền không ít để có người giúp đỡ.

Từ khi sinh con, chị Phạm Mai Hương (25 tuổi, Hải Dương, nhân viên kế toán tại Hà Nội) không còn hồi hộp chờ đến ngày cuối tháng nhận lương bởi đem về bao nhiêu là trả cho người giúp việc bấy nhiêu.

Tốt nghiệp đại học vừa tròn 1 năm thì chị lấy chồng, một năm sau, công việc vừa ổn định thì chị sinh con. Vì ông bà nội ngoại đều phải đi làm, không thể lên Hà Nội trông cháu nên vợ chồng chị tính cách thuê giúp việc. Nào ngờ, giá thuê người giúp việc quá đắt, khiến hai vợ chồng “lao đao” suốt một thời gian dài.

Ban đầu, chồng chị cũng tính cho chị nghỉ việc ở nhà trông con, vì lương tháng 4 triệu của chị không đủ trả cho người giúp việc. Nhưng chị không chịu vì đẻ xong không đi làm thì mất việc, đợi đến khi con đi học được rồi thì không biết tìm việc đâu ra, chưa kể kiến thức chuyên môn cũng mai một đi nhiều. Thế là cuối cùng, cả hai vẫn thống nhất nhờ một bác hàng xóm lên trông con giúp, mỗi tháng trả bác 4 triệu.

“Mà có phải mỗi tháng 4 triệu là xong đâu. Còn tiền ăn, ở, sinh hoạt, tiền thưởng ngày lễ, ngày Tết, tiền tàu xe về quê, tiền đám hiếu, đám hỉ của nhà bác… Tính tổng cộng lại thì đúng là lương mình không đủ trả cho giúp việc thật. Chưa kể còn tiền nuôi con, tiền sinh hoạt của hai vợ chồng… Thôi thì cố chèo chống đến lúc con đi học được, hai vợ chồng làm bù lại sau”, chị Hương chia sẻ.

img

Một số bà mẹ có mức lương từ 4, 5 triệu/tháng chấp nhận nghỉ việc ở nhà trông con chứ không thuê giúp việc (ảnh minh họa)

Chị cho biết thêm, từ khi thuê người giúp việc, hai vợ chồng chị phải cắt giảm tối đa các khoản chi tiêu như quần áo, quà cáp về quê… Thậm chí, ngay cả tiền mua thức ăn hàng ngày chị cũng phải dè dặt, suy tính từng chút một. Chị ngậm ngùi bảo: “Người ta thì nghèo nàn vì cái nọ cái kia, còn mình đây thì nghèo nàn vì thuê giúp việc”.

Nhưng không phải gia đình nào cũng có thể “chèo chống” được như nhà chị Hương bởi, thời gian thuê giúp việc không tính bằng ngày, bằng tháng mà tính bằng năm. Chị Vũ Kim Thoa (27 tuổi, quê Vĩnh Phúc, nhân viên văn phòng tư vấn luật) là một trường hợp như vậy.

Kết thúc 6 tháng nghỉ sinh, chị cũng tìm người giúp việc ăn, ở tại nhà. Nhưng đúng hai tháng sau, chị đành phải nói khó, cho bà giúp việc nghỉ, đồng thời bản thân cũng nghỉ việc luôn để ở nhà trông con.

“Lương tháng của một nhân viên tư vấn không quá 4 triệu/tháng, mà mỗi tháng trả cho bác giúp việc 3,5 triệu/tháng. Tháng nào tôi cầm lương về cũng chỉ còn lại đúng 500 nghìn, lương chồng thì chẳng khá hơn là mấy. Trong nhà có thêm một người là thêm hàng trăm khoản phát sinh, chưa kể giao con cho người lạ cũng chẳng thể yên tâm được. So đo, tính toán mãi, cuối cùng tôi quyết định nghỉ việc ở nhà chăm con, đến lúc nó đi nhà trẻ được thì tính tiếp”, chị kể.

Bất đắc dĩ lắm, chị Bùi Thị Huyền (25 tuổi, nhân viên khách sạn tại Hà Nội) mới phải tính đến chuyện thuê người giúp việc sau khi sinh con. Chị đăng tin lên diễn đàn Facebook nhờ chị em giới thiệu giúp một người với mức lương 2,5 triệu/tháng. Cứ nghĩ đó là việc bình thường, nào ngờ chị nhận phải  rất nhiều lời chế giễu, châm chọc chỉ vì mức lương chị đưa ra quá “bèo”.

Chị ngậm ngùi: “Họ bảo: “Lương bèo bọt thế thì ma nó làm, không có tiền thì nghỉ ở nhà mà trông con, nghèo mà còn bày đặt thuê giúp việc”. Thì tôi có bao nhiêu thuê bấy nhiêu, ai làm được thì làm, còn ai không làm được thì thôi. Chứ lương tháng 4 triệu/tháng mà thuê đắt hơn thì tiền đâu mà nuôi con nữa”.

Khó… như thuê giúp việc

Giá cả đắt đỏ là vậy nhưng để tìm được người giúp việc ưng ý không phải là chuyện dễ dàng. Thông thường các bà mẹ thường tìm giúp việc thông qua trung tâm, đăng tin lên Facebook nhờ bạn bè giúp đỡ hoặc nhờ người thân tìm người ở quê. Bất cứ cách tìm nào cũng có rủi ro riêng, chưa kể tìm được rồi mà chưa chắc đã ưng ý.

img

Giá cả đắt đỏ nhưng không phải ai cũng tìm được người giúp việc ưng ý (ảnh minh họa)

“Ôi giời, giúp việc là cả một câu chuyện dài, tôi cũng vừa “tống tiễn” một chị sau 4 tháng làm việc. Thế là 1 năm ba người rồi. Chẳng biết có phải tôi khó tính quá không nhưng cách sống và cách làm việc của họ khiến tôi không thể mê được”, chị Nguyễn Thanh Thư (32 tuổi, nhân viên ngân hàng) than vãn.

Chẳng là khi thuê người đầu tiên, chị chưa có kinh nghiệm, khi thỏa thuận, chị chỉ nói đại khái về mức lương và công việc chính là trông em bé. Thế là người giúp việc chỉ chăm chăm trông bé, không nấu cơm, không làm việc nhà khiến chị tất tưởi, vất vả như ngày chưa có ô sin. Khi hỏi thì người giúp việc hồn nhiên đáp: “Chị đâu có bảo tôi phải làm việc nhà. Mà lương 3,5 triệu/tháng thì tôi chỉ chăm con chị là đúng rồi”. Không thể thương lượng được, chị đành cho ô sin nghỉ việc.

Người thứ hai khiến chị rất ưng ý, biết chăm trẻ, chịu khó làm việc nhà lại nhanh nhẹn nhưng phải cái hay… ăn cắp vặt. Chị đã nói bóng gió và cảnh cáo nhiều lần vì tìm được người được việc như vậy cũng khó. Nhưng bản tính khó thay đổi, chị lại đành “tống tiễn”.

Lần thứ 3, chị đã cẩn thận nhờ người thân tìm cho một người giúp việc ở quê. Dù người giúp việc này khá chậm chạp nhưng vì là người cùng quê nên chị rất tin tưởng. Nào ngờ, họ lại là “trùm” buôn chuyện, vợ chồng chị có bất cứ chuyện to, nhỏ gì họ hàng dưới quê đều biết cả. Nhắc nhở nhiều lần không được chị cũng chẳng còn cách nào khác là thanh toán lương và… tạm biệt.

Đúng như chị Thư nói, thuê người giúp việc là cả một câu chuyện dài. Bỗng nhiên tìm một người lạ về rồi giao cả con lẫn nhà cửa cho họ không phải là điều đơn giản. Bởi thế, các bà mẹ tìm được một người giúp việc phù hợp, gắn bó lâu dài vẫn được gọi vui là “có cung nô bộc”. 

***

Chuyện có nên thuê giúp việc hay không là vấn đề đau đầu của chị em phụ nữ. Nếu không thuê giúp việc, họ sẽ không thể xoay sở được công việc cơ quan nhưng thuê giúp việc thì có trăm ngàn điều phát sinh trong gia đình. Mời các bạn đón đọc những câu chuyện bi hài với ô sin vào lúc 10h00 ngày 7/9/2015.