Không đủ giấy tờ, vẫn được đền bù
Dự án Thủy điện Đăk Re do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân làm chủ đầu tư, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Trong đó phần diện tích bị giải tỏa ở tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu nằm ở thôn Nước Lăng, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ.
Đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp chủ đầu tư thực hiện kiểm đếm, đo đạc... để chi trả bồi thường cho người dân Nước Lăng là Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) huyện Ba Tơ và ông Huỳnh Thi Thơ - cán bộ địa chính xã Ba Xa. Đến thời điểm này đã có 33 hộ gia đình nơi đây được chi trả đền bù và hỗ trợ từ dự án Đăk Re, với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng.
Người dân thôn Nước Lăng phản ánh với phóng viên về những mập mờ trong đền bù thu hồi đất. Ảnh: C.X
Tuy nhiên qua kiểm tra và xác minh, chính quyền xã Ba Xa phát hiện hàng loạt sai phạm trong đền bù thu hồi đất. Trong đó nổi cộm nhất là trường hợp chi trả tiền đền bù cho bà Mai Thị Kiều (SN 1963, ở thôn Mang Kra, cùng xã).
Trong văn bản mà chính quyền xã Ba Xa gửi cho UBND huyện Ba Tơ, thì theo danh sách đền bù của TTPTQĐ Ba Tơ cung cấp, bà Kiều có 2 thửa đất bị thu hồi (mang số 481 và 491), với tổng diện tích 25.056m2, tổng số tiền được đền bù trên 690 triệu đồng. Tuy nhiên 2 thửa đất trên đã được UBND huyện Ba Tơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng từ năm 2008 cho ông Phạm Văn Ngưn với thửa số 481 có diện tích 13.052m2 (ông Ngưn đã mất năm 2013) và ông Phạm Văn Thường thửa số 491, có diện tích 45.870m2. Cả 2 ông này cùng ở thôn Nước Lăng.
Riêng đối với thửa đất số 481, ông Phạm Văn Tem - Chủ tịch UBND xã Ba Xa cung cấp thêm: Tại buổi làm việc với chính quyền địa phương trước đó, bà Phạm Thị Lắt - vợ ông Ngưn trình bày vào đầu năm 2015, bà Kiều đến nhà và cho biết vào năm 2008 ông Ngưn có nợ mình số tiền 1,5 triệu đồng. Nhưng giờ ông Ngưn đã chết nên sẽ xóa số tiền nợ trên, với điều kiện phải bán cho bà Kiều một mảnh đất giá 10 triệu đồng. Bà Lắt không thừa nhận số tiền nợ của chồng, đồng thời cho biết không có đất nào để bán nên bà Kiều đã bỏ về.
Ngoài trưng ra tờ giấy mà ông Ngưn viết tay ghi bán đất, bà Kiều không có bất kỳ giấy tờ, văn bản hợp pháp nào chứng minh đã được ông Ngưn và ông Thường bán, chuyển nhượng 2 lô đất trên. Theo lời bà Lắt và người dân thôn Nước Lăng, ông Ngưn là người mù chữ thì làm sao viết được giấy bán đất.
Vậy mà không hiểu sao bà Kiều vẫn được chi trả đền bù, với số tiền gần 700 triệu đồng.
Không có đất thu hồi cũng có tên đền bù
Một trường hợp khác: Dù không có mét đất nào thu hồi và cũng không đến ký nhận, nhưng ông Phạm Văn Trôn vẫn có tên trong danh sách chi trả tiền đền bù, với số tiền gần 9 triệu đồng.
Bên cạnh đó vào ngày 9.7.2015, UBND xã Ba Xa tiến hành dán văn bản thông báo về việc niêm yết công khai phương án dự kiến bồi thường, hỗ trợ do TTPTQĐ huyện Ba Tơ ký gửi vào ngày 7.7.2015. Trong văn bản này ghi rõ nội dung niêm yết: Họ tên người có đất thu hồi, diện tích cụ thể... nhưng lại không có danh sách cụ thể kèm theo.
Đến sáng 14.7.2015, chủ đầu tư và TTPTQĐ Ba Tơ mới tổ chức họp dân để công khai danh sách số hộ được bồi thường... Đến chiều cùng ngày thì đã tổ chức chi trả tiền cho dân.
Trước những việc làm mập mờ trên, trả lời phóng viên Báo NTNN, ông Lê Hàn Phong - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết đã chỉ đạo cho Công an huyện phối hợp cơ quan chức năng và chính quyền Ba Xa điều tra làm rõ.
Ông Phạm Văn Tem - Chủ tịch UBND xã Ba Xa bày tỏ: “Tôi vừa mới nhận chức Chủ tịch UBND xã cách đây hơn 2 tháng. Còn việc triển khai kiểm đếm, đền bù dự án Thủy điện Đăk Re bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2015. Vào thời điểm trên ông Phạm Văn Oang là Chủ tịch UBND xã (hiện là Bí thư Đảng ủy Ba Xa). Tuy lúc đó là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã Ba Xa, nhưng tôi không nhận được bất kỳ văn bản nào có nội dung liên quan đến quá trình triển khai kiểm đếm, đền bù của dự án cho dân”. |