Những chuyện… không muốn nhắc
Cuối tháng 7, trời nắng như đổ lửa, thông tin từ đường dây nóng báo về: Tại 1 xã ở tỉnh Nam Định xảy ra vụ việc kẻ xấu đã dùng thuốc sâu đổ xuống ao làm cả tấn cá trắm đen, trị giá hàng trăm triệu phút chốc trở thành… phân. Nhận được tin, bất chấp nắng lửa, sau 3 giờ đồng hồ “cưỡi ngựa sắt” và hàng chục lần hỏi thăm đường, chúng tôi đã tìm được nhà khổ chủ. Chẳng kịp uống nước PV đi ngay vào nắm tình hình, tìm hiểu sự việc.
Tác giả trao đổi thông tin với bà con nông dân tại phường Việt Hòa, TP. Hải Dương. |
Sau một hồi trao đổi, thấy PV ghi chép rồi hỏi han nhiều chuyện, chủ nhà tròn mắt hỏi: Thế chú ghi chép để làm gì? Khi ấy chúng tôi ngớ ra, nhưng cũng vui vẻ trả lời rằng thu thập thông tin để viết bài chứ còn làm gì nữa! Lúc ấy thái độ của “khổ chủ” cũng… ngạc nhiên không kém: Ô, tôi chỉ cho nhà báo biết thông tin vậy thôi, còn việc này đã báo công an rồi; cần gì phải viết báo! Đúng là “không còn gì để nói”. Nuốt cục tức, chúng tôi cảm ơn rồi về mặc dù ông chủ chuẩn bị cả lòng lợn và rượu để mời nhà báo! Cái bực mình rồi cũng qua mau, âu cũng do dân mình nhiều người còn ngại va chạm.
Nhưng cũng có những cái bực mình không thể “tiêu hóa” nổi; đấy là chuyện liên quan đến một quan chức ngành ngân hàng. Đầu tháng 10, các hộ dân ở thị trấn Triệu Sơn (Thanh Hóa) liên tục phản ánh việc Quỹ Tín dụng nhân dân ở đây cho vay với giá “cắt cổ”. Dù đã gọi điện hàng chục lần, đề xuất xin làm việc nhưng ông giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thanh Hóa vẫn khăng khăng đòi có công văn mới tiếp.
Ông Cấn Đình Bích ở xã Kim Quan (huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Công văn của NTNN đã được gửi về Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thanh Hóa; nhưng một lần nữa ông giám đốc này lại tìm mọi cách từ chối. Phải dùng đến… khổ nhục kế, PV mới tiếp cận được ông quan tỉnh này. Nhưng thất vọng chồng thất vọng, chẳng những không xin được vài “lời vàng ý ngọc”, ông này còn dùng nhiều từ ngữ chối tai gần như mạt sát PV… Hai bài báo đã được đăng tải, người dân rất tán đồng những thông tin mà NTNN đã phản ánh, riêng ông giám đốc kia thì đến nay vẫn im như thóc.
Niềm vui nho nhỏ
Xã Yên Ninh (huyện Ý Yên, Nam Định) có 1 trạm bơm phục vụ tưới tiêu cho mấy chục ha lúa. Nhưng khổ nỗi nó lại nằm ở vị trí đắc địa, mấy cán bộ hợp tác xã muốn “hóa vàng” cái trạm bơm ấy nên đã lấp một phần. Bức xúc vì phản ánh lên xã nhưng cán bộ cứ ậm ừ, không xử lý, bà con trong thôn có đơn và liên tục gọi điện thoại đường dây nóng NTNN nhờ giúp đỡ.
Qua tìm hiểu, những gì bà con phản ánh hoàn toàn có cơ sở. Nhưng khi làm việc với chính quyền, ông Ninh Mạnh Thắng - Chủ tịch UBND xã lại cho rằng, việc lấp trạm bơm thì có nhưng đã khắc phục rồi! Những việc như vậy bà con sao cứ phải phiền đến báo chí...
Nhưng cũng phải đến khi NTNN có bài phản ánh, sự việc mới được xã giải quyết dứt điểm. Bà Hòa (người đã liên hệ với PV) hỉ hả thông báo: “Chuyện cái trạm bơm bị lấn chiếm chúng tôi đã khiếu nại hàng tháng trời, nhưng các ông ấy cứ lần lữa mãi không chịu giải quyết dứt điểm; may nhờ có báo lên tiếng đến nay họ mới trả lại trạm bơm nguyên trạng cho dân”.
Gia đình chị Lê Thị Ngọc Lan ở quận Long Biên (Hà Nội) mua 1 bộ bồn nước và bình nước nóng năng lượng mặt trời của Tân Á Đại Thành, đang trong thời gian bảo hành nhưng gặp sự cố. Gia đình chị đã thông báo cho công ty nhưng phía Tân Á Đại Thành vẫn không chịu khắc phục. Đến lúc NTNN và Điện tử Dân Việt có tin bài phản ánh, ngay trong ngày Tân Á Đại Thành phải xin lỗi và khắc phục sự cố ngay. Trò chuyện cùng phóng viên, chị Lan cho biết: “Nếu báo không lên tiếng, chưa biết khi nào họ mới sửa chữa lại bồn nước cho chúng tôi”.
“Là dân thì “thấp cổ bé họng”, việc gì bức xúc không biết kêu ai thì… kêu nhà báo” – ông Cấn Đình Bích ở xã Kim Quan (huyện Thạch Thất, Hà Nội) tâm sự vậy. Chẳng phải cơ quan công quyền để giải quyết sự vụ; chỉ có tiếng nói để bênh vực cho người dân, dẫu vất vả khó khăn người cầm bút cũng chẳng quản…
Một năm qua đi, nhìn lại thấy mình làm được quá ít, cầu trời sang năm con rắn, có thêm sức khỏe để tiếp tục cái nghiệp phục vụ bạn đọc yêu quý.
Trực Nguyên