Dân Việt

Bác sĩ quân y mang mùa xuân về bản

31/12/2012 18:20 GMT+7
(Dân Việt) - Trời đại ngàn, chiều cuối năm se lạnh nhưng bà con dân tộc Mơ Nông ở xã Đăk Gằn (huyện Đăk Mil, Đăk Nông) vẫn náo nức ngóng chờ các bác sĩ Quân y Viện 175 (Bộ Quốc phòng) tới, mang niềm vui, sức khỏe đến cho đồng bào.

“Bộ đội áo trắng tốt bụng thật”

Vượt chặng đường sỏi, đá mấp mô dài gần 400km, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện 175 mới đến được Đăk Gằn. Vừa dừng chân tại Trường Tiểu học Bi-năng-tắc, đông đảo bà con Mơ Nông và các cháu học sinh đã ùa ra chào đón đoàn. Chiều đã muộn nhưng tất cả học sinh nơi đây đều chưa về nhà mà chờ đoàn bác sĩ đến để được khám bệnh miễn phí và nhận quà tặng của Quân y Viện 175 nhân dịp đón năm mới 2013.

 img
Những phần quà nặng nghĩa, nặng tình.

Nghe tiếng bộ đội, ngồi trong nhà, già làng Y Srơ giục vợ: “Nhanh lên, dọn cơm ăn sớm để ta còn ra dự giao lưu với bộ đội chứ. Mấy ngày nay, ta đã đi khắp các bon để thông báo tin vui cho bà con biết rồi. Ai cũng phấn khởi mong chờ các bác sĩ quân y mang niềm vui, sức khỏe và no ấm đến với đồng bào”.

“Nghĩa tình của các bác sĩ quân y với bà con dân tộc thiểu số và người nghèo ở Đăk Nông nặng như núi, nhiều như rừng. Tình cảm ấy mãi trường tồn như dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ. Bon, làng luôn mong đợi các anh”.

Ông Điểu Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đăk Nông

Đêm ấy, người Mơ Nông rạo rực, tươi vui bên ánh lửa bập bùng. Tiếng trống, tiếng chiêng vang vọng xen lẫn điệu khèn du dương thêm ấm tình quân, dân cá nước. Đêm vui tưởng như kéo dài mãi…

Vừa sớm tinh mơ, đồng bào đã thức dậy, í ới gọi nhau ra gặp bác sĩ để hỏi về “cái bệnh” của mình. Tại bàn khám tim mạch của bác sĩ Nguyễn Hưng, ông Y Duôn (72 tuổi), ở bon Đăk Grai thắc mắc: “Bác sĩ à, mình hay bị khó thở lắm! Cái bụng vẫn no mà đứng lên, ngồi xuống cứ hoa cả mắt, chực té. Bác sĩ cho mình nhiều thuốc vào nhé, để uống dần mà”.

Sau khi kiểm tra huyết áp và khám kỹ càng, bác sĩ Hưng kết luận ông Y Duôn bị cao huyết áp, giải thích tường tận nguyên nhân rồi căn dặn những điều nên tránh đối với bệnh nhân cao huyết áp. Ông Y Duôn cười: “Mình tưởng bụng đói mới bị hoa mắt, chóng mặt thôi chứ. Ai ngờ bệnh này nguy hiểm thế!”. Ông được các nhân viên y tế dẫn đến phòng nhận thuốc. Vừa đi, ông vừa bảo: “Vợ mình năm nay cũng gần 70 tuổi rồi, mấy bữa trước kêu đau đầu gối, mỏi khớp tay mà không có tiền đi khám ở bệnh viện. May quá, hôm nay chẳng mất tiền lại được cả thuốc, cả quà… Bộ đội áo trắng tốt bụng thật”.

Xuân ấm tới đồng bào

Nhộn nhịp hơn cả có lẽ là nơi phát quà. Bà con nói cười vui vẻ, ai nấy nét mặt hân hoan đón nhận những món quà tình nghĩa. Chị H Dráp (40 tuổi), ở bon Đăk Láp, nhà có 5 khẩu, chồng đau yếu, các con còn nhỏ lại đang tuổi ăn học nên kinh tế rất khó khăn. Mọi việc trong gia đình đều do chị lo toan, gánh vác. Chị tâm sự: “Cả đêm qua mình chẳng ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để đi nhận quà. Gạo, bột ngọt để cả nhà cùng ăn; đường, sữa để phần chồng hay đau ốm. Còn cái mền mới này dành đắp cho các con đỡ rét, mình đắp cái mền cũ được rồi. Có bộ đội, tết này cả nhà không còn lo rét nữa”.

Nghe chị nói, tôi bỗng thấy se lòng và không khỏi khâm phục người phụ nữ Mơ Nông luôn biết quên mình vì chồng, vì con. Hình ảnh mẹ già H Dem, gần 80 tuổi, tay chống gậy vẫn ra đứng nhìn bộ đội khám bệnh, tặng quà nhân dân, thỉnh thoảng mẹ lại gật đầu cười... cứ đọng mãi trong tâm trí tôi. Mẹ bảo: “Bộ đội tốt lắm! Người Mơ Nông ta nghèo khó, vất vả quanh năm, nay được bộ đội thương, lo cho nhiều thứ nên phải biết ơn bộ đội, nghe và làm theo Bộ đội Cụ Hồ”…

Thiếu tướng Hoàng Thanh Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện 175 chia sẻ: Thấu hiểu những nỗi cơ cực, thiếu thốn của đồng bào dân tộc ít người nên đã 12 năm nay Bệnh viện 175 đều đặn tổ chức các đoàn y, bác sĩ tới khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà, tặng nhà tình nghĩa cho người nghèo Tây Nguyên. Hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế làm việc cật lực cả ngày với tinh thần tích cực, khẩn trương, hết lòng vì đồng bào, tư vấn giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe giúp bà con yên tâm ổn định cuộc sống.

Trong chuyến đi này, bệnh viện cũng tổ chức trao 3 căn nhà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo tại địa phương. Ông Trương Kim Hiến từng tham gia chiến đấu và bị thương ở chiến trường Quảng Trị. Khi chuyển vào Nam, ông bị mất hết giấy tờ; gia đình đông con, phải ở nhờ trên mảnh đất của người khác suốt mấy chục năm nay. Giờ đây, ngắm nhìn căn nhà khang trang còn vương mùi hồ, vừa được lãnh đạo Bệnh viện 175 trao tặng, ông Hiến xúc động: “Sáng nay, thằng út hỏi, ai giúp nhà mình xây nhà đẹp thế hả ba? Tôi hãnh diện trả lời con: Đồng đội của ba, các bác sĩ Bệnh viện 175 đấy”. Nói rồi, nước mắt người cựu chiến binh chảy dài. Ông ôm chặt Thiếu tướng Hoàng Thanh Bình, nghẹn ngào, rưng rưng.