Hùng vĩ Tây Yên Tử
Cụm du lịch Tây Yên Tử gồm hệ thống các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh nằm ở sườn Tây và Bắc của dãy núi Yên Tử, thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tây Yên Tử trải dài từ huyện Sơn Động đến huyện Yên Dũng. Đây là nơi có hệ thống các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi liên quan đến sự hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần như chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Am Vãi (Lục Ngạn), Đồng Thông...
Hệ thống di tích Tây Yên Tử cùng với Đông Yên Tử và Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều (Quảng Ninh) tạo thành quần thể di tích danh thắng Yên Tử đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2017.
Chùa Vĩnh Nghiêm nơi có kho mộc bản là di sản tư liệu thế giới. Ảnh: Đ.M
Du khách đến đây có thể tham quan một số thắng cảnh nổi tiếng như Thác Giót, bãi đá Rạn, Hang Gió, Vũng Tròn (Sơn Động)… vừa hoang sơ vừa huyền bí đầy thơ mộng. Ngoài ra, còn có một địa điểm rất hấp dẫn là khu du lịch Suối Mỡ thuộc huyện Lục Nam, con suối chảy quanh co trong thung lũng núi Huyền Đinh, Yên Tử - nơi có nhiều thác nước lớn, nhỏ tung bọt trắng xoá nên mới được đặt tên Suối Mỡ.
Dấu ấn Phật giáo thời Lý- Trần
Ông Nguyễn Trọng Bắc- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang cho biết: “Hệ thống Tây Yên Tử có hàng chục di tích, danh thắng có giá trị lớn về mặt tâm linh, văn hóa lịch sử và du lịch. Trong số này, các di tích chủ yếu là chùa ghi đậm dấu ấn Phật giáo thời Lý-Trần. Nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng). Chùa còn có tên là Đức La. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chùa là một trung tâm, một chốn tổ quan trọng, nơi ba vị "Trúc Lâm tam tổ" từng trụ trì và mở trường thuyết pháp. Với kiến trúc từ trước đời nhà Trần, chùa có hệ thống tượng Phật phong phú, linh thiêng, đặc biệt là kho mộc bản kinh Phật đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới”.
Kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vẫn được giữ cho đến ngày nay. Ảnh: T.L
Mộc bản Kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm là bộ mộc bản gốc, duy nhất của Phật phái Trúc Lâm hiện còn lưu giữ được. Ngay từ khi mới sáng lập thiền phái Trúc Lâm (cuối thế kỷ XIII), Vua Trần Nhân Tông đã cho biên tập, san khắc, ấn hành một số kinh, sách, trước tác quan trọng để phổ biến giáo lý, tư tưởng hành đạo của nhà Phật. Tuy nhiên, trải qua thời gian khắc nghiệt, phần lớn mộc bản bị hủy hoại, thất tán. Bộ mộc bản được san khắc tại chùa vào thời kỳ này bao gồm 3.050 bản ván khắc lưu giữ tại 8 kệ sách trong điện chính, trong đó hầu hết là kinh, sách, luật giới nhà Phật, trước tác của Tam thế tổ… Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được chế tác bởi những người thợ thủ công lành nghề thuộc các phường thợ ở Bắc Ninh, Bắc Giang và đặc biệt là Liễu Tràng (Hải Dương) - một làng chuyên làm nghề khắc mộc bản từ lâu đời. Các mộc bản đều được làm từ gỗ cây thị, khắc bằng chữ Hán cổ và Nôm, số ít khắc xen cài chữ Phạn.
Bên cạnh chùa Vĩnh Nghiêm, trên hành trình du lịch Tây Yên Tử, bạn còn có thể đến thắp hương cầu Phật ở chùa Am Vãi, xã Nam Dương (Lục Ngạn). Chùa toạ lạc ở độ cao 438m lưng tựa núi, mặt ngoảnh nhìn ra thung lũng rộng lớn, xa xa là sông Lục Nam uốn khúc chảy quanh như dải lụa. Cảnh đẹp ở đây sơn thủy hữu tình và được đánh giá là một điểm linh tụ của trời đất. |