Thuở ăn… côn trùng để sống
Trò chuyện với phóng viên, ông Minh cho biết, trước đây ông vừa làm công an xã, vừa đi làm thuê để kiếm thêm miếng ăn cho gia đình. “Đến năm 1986, vợ chồng tôi vẫn không có nổi cục đất chọi chim, phải vào rừng phát rẫy tỉa lúa và trồng hơn 2ha điều. Hồi đó thấy tôi trồng điều, nhiều người mỉa mai rằng lúa không có mà ăn, lại đi trồng loại cây bán không ai mua, nhưng tôi vẫn bỏ ngoài tai quyết tâm chăm cho điều xanh tốt” - ông Minh nhớ lại.
Đến năm 1989, vợ chồng ông Minh thu hoạch vụ điều đầu tiên. Có được ít tiền lãi, ông bà bèn mua thêm đất và khai hoang được 1ha đất rẫy trồng cao su. “Ngày đó chúng tôi cực khổ không sao kể xiết. Do làm rẫy bằng tay nên khi trồng xong những hàng cao su đầu tiên thì cỏ đã mọc dày. Mới hôm nào phát xong cỏ đầu này, giờ lại thấy tốt um, vợ chồng tôi thường xuyên phải làm quần quật trên rẫy từ sáng sớm đến tối mịt. Khó khăn, thiếu thốn đến nỗi có hôm trên đường từ rẫy về nhà phải tìm bắt côn trùng hoặc con rầy (loại rầy ăn lá – PV) để làm thức ăn cho bữa cơm gia đình” – ông Minh kể.
Lão nông Lê Quang Minh trong trại gà lạnh của gia đình, mỗi năm cho thu nhập 3 tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí.
Nhấp ngụm trà, ông Minh xúc động kể tiếp: “Thậm chí có hôm về đến nhà, thấy 4 đứa con nheo nhóc nằm queo quắt ngủ trên nền đất, vợ chồng tôi tưởng tụi nhỏ đùa giỡn mệt quá nên ngủ sớm. Khi nấu xong cơm tối, chúng tôi lay tụi nhỏ thức để ăn, nhưng không đứa nào dậy. Đến khi kiểm tra chai xi-rô trị ho thấy không còn giọt nào mới vỡ lẽ rằng vì quá đói nên các con đã chia nhau uống rồi lăn ra ngủ. Lúc đó vợ chồng tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc…”.
Buổi tối bận bịu bên đàn con, ban ngày thì còng lưng trên rẫy, chẳng mấy chốc vợ chồng ông Minh đã có hơn 1ha cao su xanh tốt. Ông còn tranh thủ học hỏi cán bộ nông trường phương pháp nhân giống cao su để bán cho bà con, dần dần cũng phát triển được vườn cây giống quy mô 300.000 cây. “Giai đoạn 1990 – 1991, mủ cao su có giá, nhiều người liên tục tìm đến nhà tôi mua cây giống. Lúc đó gieo được bao nhiêu cây, tôi đều bán hết veo nhờ cây đảm bảo chất lượng. Tiếng lành đồn xa, thậm chí bà con tận Đăk Nông, Đăk Lăk cũng tìm đến, trong đó có cả Giám đốc Nông trường cao su Chư Sê xuống đặt hợp đồng mua tới trăm ngàn cây” - ông Minh cho biết.
Lão nông Lê Quang Minh đứng bên trại gà lạnh của gia đình.
Từ tiền lời của việc bán cao su giống, vợ chồng ông dồn tiền mua đất, khai hoang thêm rừng để mở rộng sản xuất, dần dần số đất gia đình ông tích lũy được để trồng cao su đã lên tới 36ha. Đến năm 2010, thấy nhiều hộ nuôi gà lạnh (gà Mỹ - PV) trên diện tích đất không lớn nhưng vẫn giàu, ông Minh lại “cắp sách” đến các lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện mở để học tập kinh nghiệm nuôi gà lạnh. Khi đã nắm chắc kiến thức, ông quyết định cưa bỏ 1ha cao su đang cho mủ để lập 4 trại gà lạnh nuôi gia công.
Đưa tay chỉ những con gà mập ú đang ăn cám, ông Minh cho biết nuôi gà lạnh rất lời. “Từ lúc thả giống đến khi xuất chuồng chỉ mất khoảng 45 ngày, gà đạt trọng lượng bình quân 3kg/con. Với giá 25.000 đồng/kg, trừ hết chi phí tôi còn lời 150 triệu đồng/lứa. Mỗi trại xuất 5 lứa/năm, nhân với 4 trại, tôi thu lãi khoảng 3 tỷ đồng” - ông Minh tự hào nói.
Lãi cao hơn nhờ đa dạng cây - con
Chưa dừng lại ở đó, ông Minh tiếp tục “bật mí” về các kế hoạch đang triển khai như xây thêm 2 trại gà lạnh với 17.000 con/lứa, xây hồ nuôi cá sấu. Theo ông Minh, các trại gà thường phải giải quyết số lượng gà chết khá lớn, vừa tốn công, tốn tiền tiêu hủy mà còn làm ô nhiễm môi trường, vì vậy nuôi cá sấu là phương án hữu hiệu nhất, không những “giải quyết” sạch sẽ lượng gà chết mà còn thu thêm tiền tỷ.
Theo đó, từ đầu năm 2015, ông Minh tiếp tục phá bỏ 1ha cao su già cỗi rồi xây hồ nuôi 2.000 con cá sấu. “Cá sấu giống giá 250.000 đồng/con, nuôi 2 năm sẽ đạt bình quân 25-30 kg/con, xuất chuồng với giá trên 200.000 đồng/kg. Sau khi trừ tiền xây hồ, mua con giống, tiền công và các chi phí khác, chỉ cần lời khoảng 3 triệu đồng/con, tôi đã bỏ túi khoảng 6 tỷ đồng” - ông Minh nhẩm tính.
Lão nông Lê Quang Minh bên đàn bò sữa cho thu nhập khoảng 11 triệu đồng/ngày.
Ngoài chăn nuôi, ông Minh còn trồng thêm 2ha sầu riêng, bưởi da xanh. Mới đây, ông lại tiếp tục nhập về 40 con bò sữa để gia tăng lợi nhuận. Ước tính, mỗi năm trang trại của ông đem về lợi nhuận gần 5 tỷ đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 25 - 30 lao động (với thu nhập bình quân từ 4,5 – 8 triệu đồng/người/tháng).
Bà Trương Thị Trang - Bí thư Đảng ủy xã An Lập, huyện Dầu Tiếng cho biết, không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Minh còn rất hăng hái tham gia các phong trào vận động tại địa phương. Từ năm 1990, khi nhà nước làm đường ĐT748, vợ chồng ông đã hiến 6.000m2, rồi năm 1995 lại tiếp tục hiến thêm 2.000m2 và cùng dân góp tiền đổ sỏi, nâng cấp con đường trước nhà.
Ngoài ra, ông còn cắt đất để mở rộng đường trong lô cao su, tạo thuận lợi cho nhân dân trong ấp đưa xe cơ giới vào tưới, bón phân, thu hoạch nông sản trong rẫy sau đất nhà ông. “Ông Minh còn đóng góp cho Quỹ hỗ trợ người nghèo hàng chục triệu đồng/năm; cho người nghèo vay không lấy lãi khoảng 300 triệu đồng/năm để họ đầu tư cây - con giống, phân bón. Thậm chí ông còn sẵn sàng xóa nợ cho những người còn khó khăn” - bà Trang cho biết thêm.
Với thành tích sản xuất giỏi và có nhiều đóng góp cho xã hội, lão nông Lê Quang Minh vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam bình xét, bầu chọn danh hiệu Nông dân giỏi Việt Nam năm 2015. |