Dự án được triển khai kỳ vọng tạo sức bật mới cho kinh tế Hà Tĩnh và khu vực Bắc miền Trung.
Ngày 2.12.2012, đại dự án Khu liên hợp gang thép Formosa được khởi công với tổng mức đầu tư 15 tỷ USD (chia làm 2 giai đoạn) gồm các hạng mục chính là nhà máy luyện gang thép, hệ thống cảng biển nước sâu có năng lực cập tàu 300.000 tấn, nhà máy nhiệt điện với công suất 2.150 KW để phục vụ nội bộ và hòa lưới điện quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thị sát công trường Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa. |
Cùng với đó là xây dựng khu văn phòng làm việc, khu chuyên gia, khu ký túc xá của cán bộ, công nhân viên cho 10.000 người. Ông Vương Văn Uyên - Chủ tịch Tập đoàn Formosa phát biểu ngắn gọn trong lễ khởi công: “Với những gì đang triển khai, chúng tôi cam kết về tiến độ của dự án. Sau khi giai đoạn I của dự án đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ ưu tiên thu hút từ 6.000-7.000 con em chủ yếu của huyện Kỳ Anh và các địa phương khác trong tỉnh Hà Tĩnh vào làm việc. Năm 2013, công ty dự kiến sẽ tuyển dụng ít nhất là 11.000 lao động và đến năm 2015 cần số lao động trên 15.000 người.
Dời nhà, nhường ruộng đất cho dự án
Chia sẻ với phóng viên về dự án có một không hai này, ông Nguyễn Văn Bổng- Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh vui vẻ: “Kỳ Anh là đất nghèo, trong đó nghèo nhất là 5 xã Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi- nơi triển khai dự án. Nơi đây đất cằn sỏi đá, chua mặn, năng suất các loại cây trồng, vật nuôi rất thấp, người dân sống dựa vào rừng và biển. Bởi vậy, khi nghe tin khu kinh tế mở ra, những dự án lớn như Formosa đổ vào, người dân phấn khởi, háo hức. Hàng ngàn hộ dân sẵn sàng nhường nhà, nhường đất, nhường biển cho nhà đầu tư trên 3.000ha, tình nguyện chuyển đến nơi ở mới”.
Ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn Trường Sơn, xã Kỳ Phương tâm sự: “Cách đây 3 năm, gia đình tôi là một trong những hộ di dời đầu tiên, nhường 8 sào đất cả đất ở và đất ruộng cho dự án để lên khu tái định cư khi mọi thứ còn đang dở dang, đường chưa xong, nước chưa có. Ra đi có phải chỉ có nhà cửa thôi đâu, mồ mả ông bà cũng phải bốc đi.
Nhưng chúng tôi cam lòng. Chúng tôi đều nghĩ vì công nghiệp hóa hiện đại hóa, có dự án lớn thế này kinh tế mới khá lên được, rồi đây Kỳ Anh thành huyện công nghiệp, chắc chắn dân sẽ hết nghèo. Đời tôi chưa được hưởng, thì đời con tôi sẽ hưởng”.
Đa số những người dân ở 5 xã vùng dự án mà chúng tôi gặp đều trả lời hết sức mộc mạc và chân thành như vậy, tôi hiểu vì sao mà cuộc di dân vừa qua ở Kỳ Anh lại thành công đến thế. Tôi càng thấm thía hơn về sự hy sinh của người dân. Ông Trần Đình Thành - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương cho hay: Xã chúng tôi có gần 800 hộ dân, 2.300 nhân khẩu, 7.100 ngôi mộ và 19 đền chùa phải di dời. Lúc đầu, bà con còn nấn ná, ai cũng thương nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng rồi bà con vui vẻ ra đi dành đất cho dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ông Võ Kim Cự cho biết: Để thực hiện đại dự án này, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng gần 2.000ha đất với 11.825 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Đã thực hiện di dời gần 3.000 hộ cùng với 58 nhà thờ, gần 15.000 ngôi mộ lên khu tái định cư. Điều phấn khởi là khi di dời, người dân ai cũng an lòng... Tất cả vì tương lai của Kỳ Anh nói riêng và Hà Tĩnh nói chung.
Giai đoạn 1 đã có trên 6.000 công nhân được tuyển dụng làm việc tại đại dự án Formosa. |
Kỳ vọng sức bật mới
Ngày dự án khởi công, ông Võ Kim Cự đã không giấu nổi niềm vui: “Đây là dự án đa ngành, từ luyện thép, cảng nước sâu, hóa dầu, nhiệt điện đến các ngành công nghiệp khác. Dự án có tầm quan trọng đặc biệt, tạo bước đột phá phát triển công nghiệp, tác động tích cực tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Tĩnh và các tỉnh trong khu vực, là cơ hội và điều kiện tốt nhất để Hà Tĩnh cơ cấu lại lao động, khu dân cư theo hướng CNH-HĐH. ?Dự án này là kỳ vọng của hàng ngàn hộ dân đã nhường đất cho dự án”.
Gặp chúng tôi bên công trường của dự án, anh Trần Ngọc Sơn và chị Trần Thị Hoa ở thôn Nhân Thắng, xã Kỳ Phương chia sẻ: “Chúng tôi vừa làm lễ cưới được gần một tháng, hai người cùng học đại học với nhau. Sau khi kết hôn, chúng tôi định vào Nam lập nghiệp, nhưng nay đại dự án Formosa đang triển khai trên quê hương, hai vợ chồng bàn nhau về quê làm hồ sơ dự tuyển vào làm việc tại Formosa”.
Trong thời gian chờ đợi xét tuyển, anh Sơn xin làm công nhân ngắn hạn san ủi mặt bằng cho các nhà thầu tại Formosa mỗi tháng 3 triệu đồng. Anh Sơn chia sẻ thêm, hy vọng thời gian tới con em địa phương sẽ có nhiều việc làm, đời sống đỡ vất vả hơn. Còn đối với gia đình chị Trần Thị Nhung (40 tuổi) ở thôn Nhân Thắng, xã Kỳ Phương từ ngày dự án được triển khai, kinh tế gia đình chị đổi thay nhanh chóng.
Trước đây, vợ chồng chị Nhung chủ yếu làm ruộng và kiêm nghề ấp trứng vịt lộn cung cấp cho các cửa hàng ăn uống của khu công nghiệp. Năm 2008, di dời cho Dự án Formosa, hộ chị Nhung được đền bù gần 2 tỷ đồng cộng với tiền buôn bán, gia đình đã xây được ngôi nhà 3 tầng. Hai năm qua, gia đình chị cho người nước ngoài thuê với giá 40 triệu đồng/tháng.
Còn lại một ít tiền đền bù chưa sử dụng hết, vợ chồng chị Nhung mua chiếc xe ô tô hợp đồng chở công nhân cho Formosa. Mỗi tháng tính cả tiền bán hàng tạp, gia đình chị thu nhập 70 triệu đồng. Gặp chúng tôi, chị vui như tết: “Nhờ dự án, chúng tôi đổi đời rồi chú ạ”.
Một dự án với số vốn lên đến 15 tỷ USD đầu tư vào Hà Tĩnh rồi đây không chỉ đột phá về tăng thu ngân sách hàng năm cho địa phương mà còn tạo nên sức bật mới tăng cơ hội việc làm cho hàng vạn con em, kéo theo đó là các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, phụ trợ khác phát triển. Năm 2012 này, chưa bao giờ người dân vùng dự án vui như thế...
Hữu Anh