Dân Việt

Sẻ chia gánh nặng cho dân

01/01/2013 07:18 GMT+7
(Dân Việt) - Từ những bài báo của NTNN và Điện tử Dân Việt phản ánh, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã có chỉ đạo kịp thời, đem lại sự phấn khởi, niềm tin cho người dân...

Bảo vệ nông dân

Năm 2012 thực sự Báo NTNN đã để lại nhiều dấu ấn trong việc “sát cánh cùng nông dân” như tiêu chí mà báo đã nêu ra. Hàng loạt các tin, bài của báo trong năm nay đã góp tiếng nói bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân, đòi lại sự công bằng cho họ. Đó là những tin bài, như: Một quả trứng, 5 lần đóng phí; Nông dân “đánh bạc” với tôm; Cánh đồng mẫu lớn bí đầu ra...

img
Ông Phạm Văn Hoàng (phải) và ông Trần Văn Tài (xã Ea Yông, Đăk Lăk) bày tỏ niềm vui vì đã trút được nỗi khổ nhờ Báo NTNN lên tiếng trong vụ “Hồ thủy lợi bị bán” ở Đăk Lăk.

Loạt bài gần đây nhất được phản ánh trên NTNN là “Ngang nhiên bán hồ thủy lợi”, đề cập việc Công ty Cà phê Phước An ở Đăk Lăk bán gần hết các hồ thủy lợi sai quy định cho một số cá nhân. Việc làm sai trái này của công ty đã làm hàng trăm hộ dân ở xã Ea Yông (huyện Krông Păk) rơi vào cảnh khốn cùng do cà phê không có nước tưới.

Sau khi báo đăng trên 5 số báo, UBND tỉnh Đăk Lăk; Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) đã có công văn yêu cầu Công ty Cà phê Phước An trả lại hồ thủy lợi cho chính quyền, đảm bảo nước tưới cho người dân. Niềm vui của người nông dân ở đây như vỡ òa khi những dòng nước tưới lại chảy về trên rẫy cà phê.

Trước đó, bài báo “Thanh Hóa, một vụ lúa nông dân đóng 17 khoản” trên NTNN cũng đã đánh động nhiều ngành chức năng. Bài báo phản ánh, ở làng Thọ Tiên (xã Trường Sơn, huyện?Nông Cống), một gia đình có 3 khẩu, với 2.761m2 ruộng (5,5 sào Trung Bộ), phải đóng góp tới 17 khoản, gồm: Bảo vệ hoa màu; công ích tăng thầu, quỹ làng; quỹ văn hóa làng; quỹ khuyến học; quỹ giao thông thủy lợi nội đồng; tu sửa điện sáng công cộng...

Nhiều hộ dân ở đây khẳng định, việc phải đóng góp các khoản này khiến họ "khiếp sợ", phải nai lưng làm việc và vay mượn để có đủ tiền đóng... Sau khi báo đăng, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, đồng thời đề xuất các biện pháp chấn chỉnh chung trong cả nước...

Đưa tiêu cực lên mặt báo

Không chỉ là những bài báo bảo vệ người nông dân, trong năm 2012 các vụ việc tiêu cực cũng được báo điều tra, mổ xẻ và đánh động các ngành chức năng. Trong năm 2012, từ nhiều bài báo của NTNN, Văn phòng Bộ Công an và Thanh tra Bộ Công an đã có một loạt văn bản chỉ đạo xử lý. Cụ thể, yêu cầu Giám đốc Công an TP.Hải Phòng xử lý thông tin vụ công an gây tai nạn rồi mua lại tang vật; Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị phải xử lý thông tin vụ CSGT dừng xe cho côn đồ đánh tài xế; Công an huyện Mê Linh (Hà Nội) làm rõ thông tin trong loạt bài "Máu đổ sau luỹ tre làng"…

Cao hơn nữa, nhiều bài báo trên NTNN và Điện tử Dân Việt đã được Chính phủ yêu cầu làm rõ. Điển hình như ngay trong tháng 4.2012, Báo nhận được 5 phản hồi từ Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý các thông tin báo nêu.

Những chỉ đạo này có lúc liên quan đến vận mệnh của cá nhân, như vụ ông Huỳnh Hữu Đức và Lâm Ương ở Sóc Trăng bị cưỡng chế thu hồi đất trái luật; vụ người dân khốn cùng vì chính quyền Hải Dương làm sai; vụ Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang có nhiều sai phạm... Hoặc liên quan đến chính sách, ảnh hưởng đến nhiều người dân bài "Sân golf nuốt rừng phòng hộ" ở Thừa Thiên - Huế”; Một xã ở Thanh Hóa phải đóng 17 khoản phí...

Năm 2012 đã đi qua, với nhiều vụ việc đã phản ánh, những người làm báo NTNN và Điện tử Dân Việt có quyền tự hào rằng đã đóng góp một điều gì đó (dù nhỏ nhoi) để giúp người nông dân tìm được niềm tin, lẽ công bằng trong cuộc sống; góp phần đẩy lùi tiêu cực đang cản trở tiến trình phát triển của đất nước. Hy vọng năm 2013 và nhiều năm tiếp theo, với trách nhiệm của người cầm bút, Báo NTNN và Dân Việt sẽ tiếp tục là người bạn đồng hành tin cậy của nông dân, bạn đọc, như tiêu chí “sát cánh cùng nông dân Việt” mà chúng tôi đã đeo đuổi.

Dân đã có nước tưới

Sau khi Báo NTNN phản ánh những sai trái về việc Công ty Phước An, UBND tỉnh Đăk?Lăk đã yêu cầu Công ty Phước An đảm bảo nước tưới cho dân, đồng thời thu hồi lại các hồ, đập đã bán, bàn giao lại cho địa phương quản lý. Và cho đến lúc này, hàng trăm nông dân ở Ea Yông- những con người vốn đã chịu quá nhiều cực nhọc- mới thực sự trút được gánh nặng đã đè nén họ suốt nhiều năm liền. “Ba năm nay, cứ vào mùa khô là chúng tôi lại phải chạy đôn, chạy đáo lo nước tưới cho cà phê. Thật may là cuối cùng chúng tôi cũng đã gõ đúng cửa. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của Báo NTNN, chúng tôi chưa biết phải chịu nỗi khổ này đến bao giờ”- ông Trần Văn Tài ở thôn Phước Hòa, xã Ea Yông, chia sẻ.

Gặp lại chúng tôi, ông Phạm Văn Hoàng - Trưởng thôn Phước Hòa, tâm sự: “Chúng tôi thực sự rất biết ơn về những gì mà Báo NTNN đã làm. Nhờ các anh, nông dân không chỉ bày tỏ được nỗi bức xúc mà những bức xúc ấy cũng đã được giải quyết một cách thỏa đáng”.