Thuộc châu Mỹ La tinh, nói tiếng Tây Ban Nha, Cuba vẫn gần gũi với Việt Nam tình keo sơn bền chặt. Cuba thân thương không chỉ vì Chủ tịch Fidel Castro đã có một tuyên ngôn bất hủ: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình". Không chỉ vì biển Caribê quá đẹp, phong cảnh Cuba như thiên đường. Mà vì tình cảm ruột thịt vô giá của Việt Nam - Cuba đã truyền qua nhiều thế hệ nhân dân hai nước. Vì tinh thần lạc quan, chất sống tràn đầy của người Cuba mà tôi đã thấy.
Một góc thủ đô La Habana. |
Đã thấy qua những bộ phim tài liệu về Cuba, về nhà văn H. Hemingway (1899 - 1961), ông yêu đất nước này một cách cuồng say và đến giờ vẫn như một thách thức thuộc về lịch sử. Hemingway đã sống, viết ở đây, mê Cuba từ bia, xìgà, biển. Cuba cũng trân trọng gìn giữ ngôi nhà, cả quán bia mà văn hào ưa thích. Sức mạnh của tình yêu và cái đẹp luôn vượt qua nhiều giới hạn hà khắc.
Từ "đảo lửa đảo say", nắng, gió, biển xanh, mía ngọt... có thể Fidel (sinh 13.8.1926) không còn đủ sức khoẻ sang thăm Việt Nam nữa, nhưng người kế nhiệm ông, em trai ông - Raul Castro (SN 1931) đã sang Việt Nam từ 7-9.7.2012 và sẽ còn đến nữa.
Ngày 10.4.2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn cán bộ cấp cao nước ta sang thăm Cuba. Cùng đi, có Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị. TS Phạm Quang Nghị đã trao cho nữ Bí thư Thành uỷ La Habana Mercedes Lopez Acea 50 bộ máy vi tính, số tiền 400.000 USD tặng cho Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc (ICAP) để xây dựng ngôi trường hữu nghị Cuba - Việt Nam. Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng dự lễ khánh thành bàn giao con đường ở thủ đô La Habana, do Hà Nội tài trợ thiết bị chiếu sáng, lắp đặt hệ thống ánh sáng LED tiết kiệm điện năng. Tổng Bí thư đã tặng nhân dân Cuba 5.000 tấn gạo... Bao nhiêu cho đủ ân tình.
Thủ đô La Habana được công nhận là thành phố di sản thế giới năm 1982. Diện tích đất ở Cuba chỉ là 14.000km2 song nhân dân Cuba rất chăm chỉ, họ gần như không cho đất nghỉ. Nói về ấn tượng chuyến đi, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận định: Thủ đô La Habana chỉ có 2,1 triệu dân, trên đường phố, mọi người đi bộ là chính, trời nắng chang chang mà hầu hết không đội mũ nón (khác với ở Hà Nội, nhiều người "bịt kín" mà rất dễ nóng tính với nhau). Giao thông trật tự, không tắc đường, thành phố yên bình. Hà Nội cần học cách quản lý đô thị của Cuba. La Habana còn có bến cảng được đặt tên là Hải Phòng.
Tôi được xem đêm diễn duy nhất của đoàn múa Cuba "Raices Profundas" Deep Roots tại Nhà hát Lớn Hà Nội hôm 20.4.2012. Vũ đoàn chỉ chừng 10 người, hầu hết da đen, mỗi người có thể đóng 2 - 3 vai trong một tác phẩm. Lần đầu tôi xem một đoàn nghệ thuật từ Cuba diễn tại Hà Nội.
Ngồi bên tôi, hoạ sĩ Bùi Mai Hiên tỏ ra hết sức thích thú với những điệu nhảy Mỹ La tinh, không phải Samba, Rumba, Chachacha, Salsara, Mambo, Bolero, mà chính tác phẩm tái hiện cảnh chợ ngoài trời ở Lahava làm chúng tôi vô cùng ấn tượng. Nó thật Cuba - đúng tính cách, tinh thần Cuba, từ cô bán lạc, bán hoa, anh thợ quét vôi, ông đẩy xe trái cây, tất cả đều rao hàng như hát, đi như nhảy. Chộn rộn, phấn khích, yêu đời.
Có cảm tưởng rằng mỗi người dân lao động bình thường ấy chỉ cần đứng im, lắc lư thì cả thân thể họ đã là âm nhạc. Họ có thể hát, nhảy bất cứ lúc nào mà không cần phải có âm nhạc vang lên.
Cả Nhà hát Lớn được khuấy động hoà nhịp cùng khi các nghệ sĩ trong vai những người bán hàng cùng đạo cụ, xuống tận hàng ghế chào mời khán giả. Quấn khăn trên tóc, đội mũ rộng vành, họ nói cười tự nhiên, nhà hát thành một không gian mở theo mọi nghĩa, không còn khoảng cách ngôn ngữ, địa lý, văn hoá. Không cần biết ngôn ngữ, khán giả vẫn bị cuốn theo không khí chợ sôi động, vui nhộn ấy. Văn hoá âm nhạc và vũ điệu - đặc Cuba thuộc về văn hoá có sức hiệu triệu, hấp dẫn, quyến rũ sôi rộng nhất hành tinh.
Tình yêu Cuba nơi tôi còn được truyền bởi những người đã học đại học ở Cuba, có tuổi trẻ được sống ở xứ sở tình yêu ấy. Đó là hai nhà báo Bùi Ngọc Hải, Lưu Vạn Kha và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hễ có dịp là kể chuyện Cuba cho tôi nghe, chúng tôi chẳng muốn kết thúc những câu chuyện Cuba bao giờ. Nhà báo Lưu Văn Kha nói: "Đúng là người Cuba yêu nhạc, thích nhảy. Họ ngồi chờ đồ ăn, cũng có thể lấy thìa, nĩa gõ vào đĩa, tạo nhịp và nhún nhảy. Cháu đồng cảm và yêu mến Cuba thế, thì phải đi Cuba thôi".
Tôi có một người chị thân thiết đã sống 5 năm ở Moskova từ lúc trẻ, giờ tuổi 50 lại sang La Habana định cư. Năm ngoái, chị đã sang Cuba 3 tháng để "kiểm nghiệm" và rồi chị, người mơ mộng thích bình yên, cần không khí trong lành cho bệnh xoang, chán ghét bon chen, giả dối, nhận xét: "Cuba giống như Liên Xô trước kia. Dân ở đấy rất hiền hoà, thật thà, hào hiệp, họ rất quý người Việt Nam". Chị đã quyết định cư ở thủ đô Cuba, sống bằng nghề buôn bán nhỏ, đem theo cậu con trai út học lớp 6, vừa thích nghi cuộc sống vừa chăm chỉ học tiếng Tây Ban Nha. Với chị, Cuba là một thiên đường. Tôi tin chị. Cuba có 1.600 hòn đảo, 3.735km bờ biển. Biển Cuba thuộc hàng đẹp nhất thế giới. Bất chấp cấm vận, khách du lịch đến Cuba ngày một tăng, nguồn thu của đất nước 12 triệu dân này có đến 56% nhờ dịch vụ.
Gần đây, người dân Cuba mới có quyền được mua ô tô riêng và kiều bào Cuba tại Mỹ mới được gửi hàng giúp đỡ thân nhân trong nước qua đường tàu biển. Khó khăn ngặt nghèo thế, Cuba vẫn là quốc gia có chế độ chăm sóc y tế, chính sách giáo dục tốt nhất thế giới. Cà phê, xì gà, thuốc lá Cuba nổi tiếng thế giới và ở Olympic 2012 vừa qua, Huy chương Vàng boxer, bắn cung thuộc về vận động viên Cuba. Nền kinh tế Cuba 35, 5% là công nghiệp, 7,4% nông nghiệp. Cuba xuất khẩu các sản phẩm nổi tiếng trên, cùng sò ốc, hải sản; Cuba dệt may, làm đồ gỗ, lọc dầu, chế biến thực phẩm trong khi vẫn phải nhập khẩu thực phẩm, dầu mỡ, máy móc, hoá chất.
Tháng 7.2012, xem thời sự VTV1, một tin vắn làm tôi ám ảnh. Hình ảnh các thiếu nữ nghèo ở Havana phải dùng lõi cuộn giấy vệ sinh làm lô quấn tóc làm tôi xa xót. Máy cận cảnh các gương mặt da nâu khoẻ khoắn cười tươi, nói như hát, răng trắng tăm tắp. Các cô gái Cuba vất vả quá, thiếu thốn quá. Ngay lập tức tôi nghĩ mình có thể gửi 1 thùng lô quấn tóc tặng các cô gái trong phóng sự ấy. Và tôi tin chắc, nếu có đường gửi địa chỉ cụ thể, tôi có thể huy động được bạn bè, những người yêu Cuba, góp tiền mua hàng trăm thùng lô quấn tóc tặng các cô. Các cô không hề có chút ưu tư, phàn nàn về sự thiếu thốn ấy, qua nét mặt, lời nói.
Các cô tung tăng trên phố cùng mái tóc quấn lô - lõi - giấy. Buồn bã, muộn phiền, mặc cảm, than vãn dường như xa lạ với người Cuba nói chung và thế hệ thanh niên Cuba hiện tại. Như bố mình, tôi khâm phục và càng yêu mến đất nước, con người Cuba. Tinh thần của họ là biểu tượng của khát vọng, tình yêu cuộc sống không lệ thuộc, chịu tác động của hoàn cảnh, vượt khó một cách bình thản, bản lĩnh.
Chân tình tử tế, yêu ca vũ, người dân của đất nước mà nguyên thủ là bạn thân của G. Marquez, Tổng thống Venezuela (Hugo Chavez) cũng như thủ lĩnh của mình, biết trân trọng những giá trị sống. Đây chính là sự vĩ đại, ấn tượng mạnh từ những điều giản dị, như chuyện những chiếc "lô".
Cuba, tôi muốn tỏ tình nghìn lần: "Te Amo" hoà vào sóng Biển Đông tới biển Caribê xanh hoang dại, đẹp ngoài tưởng tượng...
Vi Thùy Linh