Chuyên gia Phạm Tất Thắng
TPP tạo sức ép ghê gớm, từ khâu quản lý Nhà nước, quản lý kinh doanh và cả người tiêu dùng. Nó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi, nếu không thay đổi thì không tận dụng được cơ hội. Chẳng hạn khi thuế suất bằng 0% thì chúng ta được lợi, nhưng không phải dễ gì chúng ta được hưởng thuế suất như vậy nếu chúng ta không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm dệt may.
Chúng ta phải tìm cách tự sản xuất, phát triển công nghiệp hỗ trợ lên hoặc chúng ta phải thay đổi bạn hàng để nhập hàng hóa từ 11 thành viên TPP khác. Lúc đó đòi hỏi chúng ta thay đổi cách làm ăn. Lâu nay chúng ta làm ăn với Trung Quốc cảm thấy dễ dàng, nhẹ nhàng, thậm chí hàng nhập về trước, trả tiền sau hoặc thủ tục đơn giản. Nhưng nay đòi hỏi chuyên nghiệp hơn, đòi hỏi chung ta phải khắc phục khó khăn, tự vươn lên.
Một số những lĩnh vực khác nữa chúng ta cũng phải chịu sức ép ghê gớm ví dụ chăn nuôi. Như vừa qua TPP chưa ký kết mà đùi gà và cánh gà của Mỹ giá rẻ đã tràn vào đẩy ngành chăn nuôi của ta vào cuộc cạnh tranh không cân xứng. Hay như sản phẩm sữa của chúng ta sản xuất ra có giá gấp đôi của các nước khác thì rất khó để cạnh tranh. Hoặc như lĩnh vực ô tô, điện tử, điện lạnh… cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi bởi việc cạnh tranh đó giúp chúng ta có động lực để vươn lên.