Gây ô nhiễm triền miên
Vừa qua, người dân phường Hương Vân (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) lại tiếp tục “vây” nhà máy sản xuất xi măng của Công ty Luks để phản đối việc nhà máy này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sự việc xảy ra sau khi nhà máy này xả ra một lượng lớn bụi xi măng xuống nhà cửa, vườn tược của hàng loạt hộ dân. “Gia đình tôi đang ăn cơm trưa thì bị một trận bụi xi măng mù mịt tấp vào nhà nên phải bỏ bữa để đi tránh bụi”- bà Trần Thị Ngọt (tổ 6, phường Hương Vân) cho biết.
Người dân phường Hương Văn (thị xã Hương Trà) trong một lần bao vây, chặn cửa ra vào nhà máy xi măng của Công ty Luks để phản đối ô nhiễm. (Ảnh: A.S)
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng phường Hương Vân và thị xã Hương Trà vào cuộc kiểm tra và kết quả cho thấy bụi xi măng từ nhà máy xả ra bay vào nhà cửa, vườn tược của người dân với mật độ dày đặc.
Trước đó khoảng 1 tuần, người dân phường Hương Văn bên cạnh cũng kéo đến chặn xe ra vào nhà máy xi măng trên để phản đối việc nhà máy xả khói bụi mù mịt. Sau động thái này của người dân, phía Công ty Luks tiến hành hỗ trợ bảo hiểm y tế và hỗ trợ một phần hoa màu bị thiệt hại cho những hộ sống trong phạm vi 150m tính từ nhà máy.
Bà Nguyễn Thị Hương (tổ 11, phường Hương Văn) cho biết, 7 năm nay gia đình bà và hàng trăm hộ dân khác phải sống ngột ngạt vì khói bụi của nhà máy xi măng. “Khói và bụi từ nhà máy xả ra thường xuyên khiến cây trồng không thể phát triển, con người thì mắc nhiều bệnh tật. Chúng tôi đã tụ tập phản đối hết lần này đến lượt khác nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được khắc phục”- bà Hương bức xúc.
Nương tay cho doanh nghiệp?
Từ năm 2011, sau nhiều lần người dân tụ tập cản trở xe cộ và công nhân ra vào nhà máy xi măng của Công ty Luks để phản đối việc nhà máy xả khói bụi vô tội vạ, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường tại nhà máy này. Kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty Luks chưa chú trọng đến các hệ thống xử lý bụi, khí thải và nước thải công nghiệp, thực hiện không đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đó là việc các công trình xử lý nước thải, bụi và khí thải tại nhà máy đều xây dựng sai thiết kế kỹ thuật và tự ý đưa vào sử dụng khi chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định, đồng ý. Tình trạng này dẫn đến lượng lớn khói bụi từ nhà máy phát tán ra ngoài, nước thải công nghiệp chưa đạt yêu cầu về vi sinh được xả ra môi trường…
Trao đổi với PV NTNN, ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT) tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: Việc xử lý nhà máy xi măng gây ô nhiễm gặp khó khăn do Công ty Luks vừa có sự thay đổi bộ máy quản lý, trong khi để chứng minh thiệt hại của người dân về hoa màu cũng như về sức khỏe là do nhà máy gây ra cũng không dễ. “Vừa rồi kiểm tra đúng là nhà máy gây ô nhiễm, nhưng để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất thì cần phải di dời những hộ dân bị ảnh hưởng đến khu vực khác”- ông Hùng nói.
Theo người dân, với việc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về môi trường như kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành vào năm 2011, lẽ ra nhà máy xi măng của Công ty Luks phải bị đình chỉ hoạt động, khắc phục xong sai phạm mới được sản xuất, kinh doanh trở lại. Ở đây, cơ quan chức năng chỉ yêu cầu doanh nghiệp “sớm khắc phục những tồn tại, thiếu sót” đã dẫn đến tình trạng “nhờn thuốc”. |