Hồ Gươm xanh, còn được gọi là Hồ Hoàn Kiếm, một hồ nước ngọt tự nhiên của thủ đô Hà Nội, xưa vốn là một phân lưu sông Hồng chảy qua. Hồ Gươm còn gắn với truyền thuyến vua Lê Thái Tổ trả gươm về cho Rùa thần vào năm 1428, sau khi đã đánh đuổi giặc xâm lăng ra khỏi bờ cõi.
Trong tiết se lạnh của mùa thu và tháng Mười lịch sử, đi một vòng quanh Hồ Gươm ta như được sống lại với hồn thiêng sông núi Đại Việt. Khu vực vườn hoa Chí Linh là tượng đài vua Lý Thái Tổ - vị vua có công chọn Thăng Long làm kinh đô cho Đại Việt, thay cho cố đô Hoa Lư. Ở bờ phía Tây hồ là Đền thờ vua Lê Thái Tổ, có tượng vua đứng trên trụ cao, cầm thanh kiếm Thuận Thiên như phóng xuống mặt hồ, trả gươm báu về cho rùa thần. Ở trung tâm hồ là Tháp Rùa, gồm ba tầng, tầng cao nhất phía trên cửa có 3 chữ Quy Sơn tháp (tháp Núi Rùa).
Nhắc đến Hồ Gươm xanh thì không thế nhắc đến đền cụm quần thể các di tích Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút nằm ở phía Bắc hồ. Cầu Thê Húc nghĩa là “nơi đậu ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm" dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, do danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1865. Tháp Bút có khắc ba chữ Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), được xây dựng từ năm 1865. Xung quanh hồ còn các di tích khác như Đài Nghiên, Tháp Hòa Phong, Đền Bà Kiệu…
Mời bạn cùng tôi dạo một vòng Hồ Gươm xanh, cảm nhận những hồn thiêng sông núi cũng như tình cảm của đất và người nơi đây
Tượng đài vua Lý Thái Tổ ở khu vực vườn hoa Chí Linh.
Đền vua Lê Thái Tổ có tượng vua cầm thanh kiếm Thuận Thiên như phóng xuống mặt hồ, trả gươm về cho rùa thần.
Quần thể các di tích Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút.
Một góc Hồ Gươm làm nhớ về một phân lưu sông Hồng chảy qua.
Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh…
Những khoảnh khắc đời thường rất đẹp bên Hồ Gươm.