Dân Việt

Ngọt bùi trái côm rừng quê ngoại

Nhà ngoại tôi ở bìa rừng, ngay dưới chân đồi nên trồng rất nhiều cây ăn trái, nào mít, ổi, bưởi, nhâm vòng, chuối, đu đủ, na, hồng… Biết chúng tôi về chơi nên năm nào ngoại cũng phần chị em tôi những quả ngon nhất. Ấy vậy mà chúng tôi chỉ thích ăn quả rừng, nhớ nhất là trái côm bởi những hương vị thật hấp dẫn.

Quê ngoại tôi đẹp lắm, có con đường cong uốn lượn quanh những ngọn đồi dưới làn sương mờ ảo. Xa xa, thấp thoáng những chú trâu đang nằm nghỉ dưới tán cây sau buổi cày bừa. Dưới suối, các bà, các cô giặt quần áo, tắm rửa vui cười nói chuyện. Bên kia bờ suối, các bác, các cụ ông đang ngồi uống nước chè, hút thuốc lào. Quê ngoại thân thương, bình yên như một miền cổ tích.

Tôi còn nhớ như in khi tôi lên 10 tuổi, được bố mẹ cho về quê ngoại chơi. Lần về quê đó, chị em tôi được dì em gái út của mẹ tôi đưa cho một nắm quả thật lạ mắt, nó có màu rất tươi ngon và đẹp. Chúng tôi cứ ngắm nghía mãi mà không nỡ ăn. Nhưng rồi, vì muốn biết hương vị của nó thế nào nên tò mò nếm thử. “Ôi chao, ngon tuyệt”!. Chúng thôi đồng thanh thốt lên. Dì tôi bảo đó là trái côm rừng. Kể từ đó, hai từ côm rừng đi vào trong ký ức tuổi thơ tôi.

img

Trái côm rừng.

Cây côm rừng nơi quê ngoại bắt đầu ra hoa từ đầu tháng năm đến tận đầu tháng tám quả mới bắt đầu chín. Hoa của nó có màu trắng tinh khiết. Hết mùa hoa rụng kết những trái màu xanh (quả giống y như quả xoan). Đến mùa quả chín, nó chuyển từ màu xanh sang màu tím than nom rất đẹp mắt. Trái côm già khi rụng xuống mọc thành cây non phải mất năm năm tuổi mới ra hoa và kết trái.

Bẵng đi nhiều năm, rồi thật tình cờ trong lần đến thăm quê của một người bạn đồng nghiệp, tôi chợt gặp lại trái côm rừng – thứ trái cũng vào mùa này của hơn hai mươi năm trước trên đất Mường Vang quê ngoại.

Gặp lại hương vị trái côm rừng, cảm xúc trong tôi bỗng trào dâng như muốn vỡ òa, để trả lại trong tôi tuổi thơ yêu dấu. Dường như mới hôm qua thôi, tôi lại thấy mình đang đứng giữa con suối ngày đêm chảy róc rách uốn mình giữa cánh đồng bát ngát thơm lừng hương lúa, của trái cây rừng chín mọng nơi quê ngoại.