Làng cốm Mễ Trì đã có từ hàng trăm năm, ngoài cốm làng Vòng (Cầu Giấy), cốm Mễ Trì là một trong các món ngon đặc sản của Thủ đô và đi vào thơ ca “Mễ Trì thơm gạo tám xoan/Dự hương, dé bún ngon cơm nhất miền”.
Ngày nay, do quá trình đô thị hóa, diện tích trồng lúa ở Mễ Trì không còn nữa, nhưng làng cốm Mễ Trì thì vẫn còn. Hằng năm, “cứ từ khoảng rằm tháng Bảy đến hết tháng Chín (âm lịch), người làng cốm lại về các vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… để chọn lúa tám xoan, nếp cái hoa vàng sữa về để làm cốm. Đây là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của Thủ đô cần gìn giữ và phát huy…” – Ông Nguyễn Văn Tứ - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho hay.
Thực hiện Nghị quyêt 132 của Chính phủ về việc thành lập 2 quận và 23 phường thuộc thành phố Hà Nội, xã Mễ Trì đã được tách ra thành 2 phường là Mễ Trì và Phú Đô. |
Và trong cuốn “Hà Nội 36 phố phường” của nhà văn Thạch Lam, khi nói cốm Hà Nội nói chung và cốm Mễ Trì nói riêng đã ví rằng: “Cái màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, không gì hòa hợp bằng”.
Quang cảnh buổi lễ “Ngày văn hóa làng cốm Mễ Trì” trang trọng, với sự tham dự của các lãnh đạo quận, các cụ cao niên…
Tại hội cốm năm nay, không chỉ có cốm, mà còn có xôi cốm, chè cốm, bánh cốm, chả cốm, cốm xào, ngoài ra các sản phẩm như bún thang, bánh cuốn… cũng được giới thiệu. Về phần lễ và phần hội, sau tế lễ tại Đình làng, phần hội bao gồm: Hội thi làm gốm; Thử tài cùng cốm Mễ Trì, các trò chơi dân gian như kéo co, đập niêu, nhảy bao bố và các hoạt động văn hóa thể thao khác như múa võ, múa dưỡng sinh… Buổi tối, diễn ra hoạt động bán cốm tại các tuyến đường, ngõ phố… xung quanh làng nghề, nhằm tái hiện lại một hình thức sinh hoạt văn hóa truyề thống đẹp và độc đáo của người dân làng cốm Mễ Trì.
Hội cốm là dịp để người dân Mễ Trì quảng bá làng nghề, sản phẩm cốm Mễ Trì của mình đến với du khách thập phương… tiến tới hình thành một làng văn hóa du lịch của Thủ đô.