Ven biển vùng đất Mũi Cà Mau là những cánh rừng đước, rừng mắm bạt ngàn. Lá cây mục đã tạo thành lớp mùn bã hữu cơ, đó là điều kiện lý tưởng cho nhiều loài như: ốc lá, ốc gạo, ốc gai, ốc len, sò huyết, sò lụa, sò lông, sò điệp, vọp, nghêu, hàu, chem chép,... sinh sống.
Cư dân miền biển dựa theo tập tính sinh sống của loài ốc len mà mang giỏ ra để bắt về. Thịt ốc len có hương vị rất đặc biệt, vừa thơm, vừa ngọt, vừa béo. Thường người ta có hai cách chế biến là xào nước cốt dừa và xào sả ớt. Ngoài ra, người ta còn đem ốc len luộc riềng. Món ăn này tạo nên sự thú vị đặc biệt.
Ốc len là loài sinh vật có vỏ, thân nhuyễn thể, tức loài thân mềm, vỏ to, cứng, và dày. Toàn thân liền trong vỏ bao bọc. Vỏ ốc len có màu nâu đậm xen lẫn vân trắng, hình dáng to xầp xỉ ngón tay trỏ hay ngón tay cái, dài khoảng 3 - 4 phân, có đuôi nhọn. Vỏ ốc cứng với nhiều đường gân nhỏ xoay quanh. Đặc điểm ốc len thường sống dưới chân rừng. Nước ròng thì chúng vùi dưới sình lầy hoặc ẩn mình dưới lớp rễ đước, rễ mắm, khi nước lớn thì bò lên gốc cây, lắm khi leo lên tới cành, đọt những cây mắm mọc thấp để ăn lá mắm.
Ốc len luộc riềng.
Ốc len bắt về chà rửa nhiều lần cho sạch cát và cặn bùn bám ngoài vỏ. Chắt nước cơm vo vào ngâm ốc một thời gian cho ốc nhả hết chất dơ trong mình nó. Sau đó rửa lại rồi dùng dao chặt bỏ phần nhọn của đuôi ốc, riềng đào ngoài vườn về rửa sạch, xắt thành sợi hoặc đâm dập rồi trộn đều với ốc. Thêm vài hột muối cục, bắc xong lên bếp luộc với nước xâm xấp và canh cho ốc vừa chín thì nhắc xuống. Trút ốc vô rổ tre xốc đều một lượt rồi cho ốc ra tô.
Từng con ốc bốc hơi nóng hổi được dùng tay bốc đưa lên miệng mút lấy. Thịt ốc vừa ngọt quyện với hương vị đặc trưng của riềng làm cho món ăn vừa ngon vừa ấm bụng.
Nhâm nhi vài ly rượu đế với món ốc len luộc riềng là một thú vui giản dị mà nông nàn hương vị miền biển quê hương.