Ngày 11.10, nguồn tin từ Công an xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết đang làm rõ thông tin hàng chục người kéo băng rôn đòi nợ ngay trước cổng Nhà máy Gia nhiệt thanh long Hồng Ân (trụ sở tại xã Hải Ninh). Do không gặp được chủ doanh nghiệp, nhóm chủ nợ đã gửi đơn cho công an nhờ giải quyết.
Chủ nợ căng băng rôn để tạo áp lực buộc vợ chồng chị Trinh phải xuất hiện. (Ảnh: H.D)
Theo hồ sơ, Nhà máy Gia nhiệt thanh long Hồng Ân rộng 14ha và trang trại thanh long Hồng Ân rộng gần 90ha (49ha được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP). Với công suất khoảng 15.000 tấn/năm, đây là nhà máy chế biến thanh long xuất khẩu lớn nhất Bình Thuận.
Đùng một cái, hàng loạt công nhân tại đây bị nợ lương, trong khi các chủ nợ từ phương xa liên tục kéo về. Theo các chủ nợ, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc nhà máy đã cầm cố toàn bộ nhà máy và trang trại cho các chủ nợ. Nhiều chủ nợ liên kết lại mới biết cùng một khối tài sản này bà Trinh cầm cố cho rất nhiều người với số nợ lên đến 85 tỷ đồng. Theo đó, 19.000 trụ thanh long được bà Trinh cầm cố cho bà V.B.T (TP.HCM) với giá 19 tỷ đồng; cho ông H.C (TP.HCM) với giá 3,4 tỷ đồng; cho bà N.T.V (TP.HCM) với giá 0,7 tỷ đồng... Thậm chí, giấy đăng ký kết hôn, hộ chiếu, chứng minh thư, giấy chứng nhận VietGAP và GlobalGAP... cũng được vợ chồng bà Trinh cầm cố...
Do vợ chồng bà Trinh liên tục né tránh, trong khi trang trại thanh long khô héo do không được chăm sóc nên các chủ nợ làm đơn xin được tiếp tục chăm sóc.
Đại diện nhóm chủ nợ, bà V.B.T bức xúc: “Cả 19.000 trụ thanh long nếu không chăm sóc kịp thời sẽ chết hết. Chúng tôi kéo băng rôn, tạo áp lực buộc vợ chồng chị Trinh phải xuất hiện để trả nợ và cùng chúng tôi chăm sóc thanh long. Nếu họ cứ lánh mặt, thanh long chết hết thì tất cả chúng tôi đều bị thiệt hại nặng nề.
(Tên thật của một số nhân vật trong bài do Tòa soạn thay đổi)