Tình trạng hàng chục ngàn cử nhân thất nghiệp mỗi năm, trong đó có cả những thủ khoa xuất sắc đã bộc lộ nhiều hạn chế của nền giáo dục đại học. Tuy nhiên điều này còn cho thấy một thế hệ sinh viên thụ động, thiếu bản lĩnh và tinh thần cầu tiến.
Khi những thủ khoa phải “cầu cứu”
Thời gian gần đây, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ tin tức về Chu Thị Yến, nữ thủ khoa cả đầu vào và đầu ra của khoa Điện - Điện tử trường Đại học Giao thông Vận tải, tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc nhưng suốt 3 tháng, Yến gửi hồ sơ đi gần chục nơi mà không có kết quả. Gia đình khó khăn, thậm chí cô tân thủ khoa đã phải tính đến việc bỏ công sức 4 năm học đại học để về quê làm lao động phổ thông.
Còn nhớ, trường hợp của Lê Văn Ngọ - thủ khoa đầu ra trường Đại học Giao thông Vận tải năm 2013 - ra trường với số điểm trung bình 8,77 nhưng không tìm nổi việc làm. Trước khi dư luận lên tiếng và được Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý nhận vào làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận Tải, Ngọ đã phải tự nuôi sống bản thân bằng một công việc tay chân với mức lương chỉ 1,5 – 2 triệu/tháng.
Nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng về việc thủ khoa thất nghiệp hiện nay
Cộng đồng mạng nói gì?
Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra về trường hợp của những thủ khoa trên. Một bộ phận chỉ trích nền giáo dục chỉ chú trọng vào lý thuyết mà thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Ngoài ra, khâu định hướng nghề nghiệp của nhà trường yếu kém khiến sinh viên lựa chọn những ngành học không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, phần đông các ý kiến cho rằng, nguyên nhân thủ khoa thất nghiệp chủ yếu là do quá tự tin vào mác “thủ khoa” và tấm bằng mà từ chối những cơ hội tốt. Một phần do kỹ năng xin việc kém, không hiểu rõ nhà tuyển dụng cần gì.
“Các bạn đừng mãi bám vào mác thủ khoa hay “kén cá chọn canh”. Theo mình, hiện nay có rất nhiều bạn có bằng đại học nhưng ngại làm trái ngành, trong khi ngay từ đầu đã chọn học một ngành không hề dễ kiếm việc”, một Facebooker bình luận.
Nhà tuyển dụng: thị trường lao động Việt Nam không thiếu việc làm
Vậy câu hỏi đặt ra là: “Có thực sự thiếu cơ hội việc làm cho thủ khoa nói riêng và sinh viên mới ra trường nói chung?”. Ông Ong Xuân Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần Nguồn Nhân Lực Siêu Việt cho rằng, thị trường lao động không những không thiếu việc làm, mà ngược lại, đa số các công ty lớn nhỏ hiện nay đều lâm vào tình trạng “khát” nguồn nhân lực.
Ông Ong Xuân Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần Nguồn Nhân Lực Siêu Việt
Số liệu thống kê trên 2 trang web tuyển dụng nổi tiếng Timviecnhanh.com và Vieclam.24h.com.vn cho thấy luôn luôn thường trực hơn 50.000 tin tuyển dụng thuộc mọi lĩnh vực trên cả nước. Trong đó, có đến 20 - 25% việc làm không hề yêu cầu kinh nghiệm hay kỹ năng, và các bạn sinh viên mới ra trường đều có thể đáp ứng được.
Đề cập đến hàng chục ngàn cử nhân thất nghiệp mỗi năm, ông Minh lý giải, nguyên nhân nằm ở chính bản thân các bạn sinh viên quá thụ động trong tìm kiếm cơ hội. Đa phần các bạn chỉ biết gửi hồ sơ xin việc bằng những cách truyền thống và chờ người quen giới thiệu. Thậm chí có trường hợp cử nhân giơ biển xin việc ngoài đường.
Ngoài ra, ảo tưởng với bằng cấp, “kén cá chọn canh”, không chịu làm trái ngành hay ngại những việc nhỏ cũng khiến các tân cử nhân bỏ qua nhiều cơ hội tốt để học hỏi.
Mới một hai tháng không xin được việc, hoặc chỉ gửi 10, 15 bộ hồ sơ không đạt kết quả đã nản chí và lựa chọn những công việc tạm bợ, tôi cho rằng đó là biểu hiện của thiếu kiên định và bản lĩnh sống. Với tính cách như vậy dù bạn làm nghề gì cũng rất khó thành công.
“Thị trường tuyển dụng vô cùng rộng lớn và nhiều cơ hội. Đừng đổ lỗi cho nền giáo dục hay xã hội, hơn ai hết các bạn sinh viên hãy học cách tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Xã hội khắc nghiệt mới có thể đào thải những nhân tố thụ động và kém năng lực”, ông Minh nhấn mạnh.