Thị trường buôn bán ngà voi bất hợp pháp ở Trung Quốc đã được biết tới từ lâu, nhưng có một loại “ngà” khác còn giá trị hơn ngà voi rất nhiều lần. Đó là chiếc mỏ của chim hồng hoàng - loài chim sống ở các rừng mưa nhiệt đới Đông Nam Á, đang bị đe dọa vì bị đánh bắt quá nhiều.
Hình ảnh chim hồng hoàng với chiếc mỏ đặc biệt.
Không ai muốn thử sức một cú đối đầu trực diện với chim hồng hoàng, bởi đầu chim nặng khoảng 3kg với một khối sừng lớn. Chiếc “mũ sắt” này có thể chiếm tới 11% trọng lượng của chim hồng hoàng.
Trên thế giới có 60 loài chim hồng hoàng phân bố ở Châu Phi và Châu Á, hầu hết là loài mỏ sừng rỗng, duy chỉ có loài chim hồng hoàng ở Đông Nam Á là có mỏ sừng đặc. Con đực dùng chiếc “mũ sắt” này để đánh nhau tranh giành con cái.
Tại Đông Nam Á, hồng hoàng sống ở Malaysia và Indonesia. Trên quần đảo Sumatra và Borneo, tiếng kêu của loài chim đặc biệt này vang khắp núi rừng. Chúng thường ăn hoa quả, đặc biệt là quả hạch nên thường được gọi bằng cái tên “những người nông dân trong rừng” vì giúp phát tán các hạt cây đi xa.
Loài chim này bị săn bắn rồi bán lại cho các thương lái Trung Quốc. Chiếc đầu và đặc biệt là mỏ của loài chim này có sức hấp dẫn rất lớn với những kẻ săn trộm.
Từ năm 2012-2014, 1.111 chiếc mỏ chim hồng hoàng đã bị tịch thu chỉ riêng ở khu vực tỉnh Kalimantan, Indonesia. Nhà nghiên cứu chim hồng hoàng Yokyok Hadiprakarsa dự đoán rằng, mỗi năm có hơn 6.000 cá thể loài này bị tiêu diệt ở Đông Nam Á.
Mỏ chim hồng hoàng thường được coi như một dạng “ngà voi” vì sự quý giá của nó. Vật liệu này rất thích hợp để chạm trổ vì màu sắc vàng dịu đẹp mắt.
Trong hàng trăm năm qua, các thợ thủ công Trung Quốc đã chế tác các sản phẩm cao cấp cho giới vua chúa và đại gia từ chiếc mỏ của chim hồng hoàng. Hiện nay, giới lắm tiền nhiều của tại Trung Quốc mong mỏi có được một sản phẩm điêu khắc từ mỏ chim hồng hoàng nhằm thể hiện đẳng cấp thượng lưu của mình.
Chiếc mỏ chim và sản phẩm chế tác tinh xảo.
Một tác phẩm hoàn thiện.
Màu sắc, hoa văn ấn tượng trên chiếc mỏ chim.
Bộ sưu tập mỏ chim hồng hoàng.
Chính nhờ lớp sừng đặc bên trong mỏ mà các nghệ nhân có thể thỏa sức sáng tạo.