Có sông, có làng, tất có bến sông
Từ thời mở đất khai hoang, tiền nhân khi chọn đất lập làng luôn xem “tiêu chí nguồn nước” thuộc hàng ưu tiên số 1. Thế nên, đồng bào thiểu số vùng cao dựng làng bên suối thì người Kinh châu thổ dựng làng ven sông. Nói gọn, làng “theo” sông.
Nhưng không chỉ nước rất cần cho sinh hoạt mà nước rất cần cho canh tác, vì đường thủy tiện việc giao thông; và cả vì nguồn tài nguyên tôm cá đầy trong bụng “mẹ sông” có thể giảm nhẹ nỗi lo bươn chải kiếm ăn của một số người dân.
Hàng chục, hàng trăm cái bến nằm dọc theo những con sông. Sông dài bến nhiều; sông ngắn bến ít. Xưa, hầu như không có cầu. Muốn qua sông, người ta phải “xuống bến”. Bến sông được hình thành nơi những đoạn sông có vị trí thuận tiện cho người qua lại.
Qua sông bằng đò hay lội bộ là tùy mực nước sâu cạn và độ rộng hẹp của bến sông. Và, cũng do căn cứ vào cái cung cách lại - qua kia, người ta chia làm 2 loại bến sông: “Bến đò” thường đặt nơi những đoạn sông lở, hẹp, nước sâu, thuận tiện cho đò cập sát bờ mà không mắc cạn. “Bến lội” thì ngược lại; tìm nơi bãi bồi, lòng sông rộng, nước nông để người và gia súc có thể lội bộ qua sông...
Bến sông quê
Mỗi bến sông đều có một cái tên riêng. Ấy là những địa danh có thể mang tên làng, mang tên sự kiện, mang tên một vật đặc thù trên bến... Hay vui hơn, nhiều khi chỉ là cái tên ngẫu nhiên của một vị tiến hiền thời khai mở bến sông!
Bến sông quê. (Ảnh: Sỹ Nhiếp)
Đa phần, tên những bến sông quê đều hết sức dân dã, mộc mạc, thân thương - nghe là hình dung ra ngay: bến Lớn, bến Bè, bến Cây Đa... Nhưng đôi khi, cũng xuất hiện những cái tên lạ hoắc lạ huơ; chẳng hạn, dòng sông quê tôi có cái bến sông được gọi là... bến Sách! Chẳng biết “danh xưng văn hóa” ấy từ đâu mà có; chứ cái làng quê trên bến xưa kia quanh năm nghèo khó, lo ăn còn chưa trôi thì còn nói chuyện sách vở nỗi gì!
Giống như đình chùa, chợ búa, bến sông cũng là nơi tụ hội - là một thứ public centre (trung tâm sinh hoạt cộng đồng) của các làng quê Việt Nam xưa. Ừ, thì cũng đông vui; nhưng là cái đông vui hết sức đặc thù của bến sông. Nó không mang vị bán mua như chợ búa; cũng chẳng bị ghìm trong không khí nghiêm trang, lễ tiết của đình chùa. Ấy là một thứ “sân chơi cuối ngày” dân dã, thoải mái, tự do. Ông làm ruộng, bà mua bán, trẻ chăn trâu hay các cư dân sống bằng nghề sông nước, đò giang cứ sáng ra đi từ bến sông; chiều lại cũng về tề tựu bến sông.
Dừng chân trên bến, lạ chưa, cái không gian rộng mở, mênh mang trời nước của bến sông dường như cũng khiến lòng người rộng mở theo. Vậy nên ít ai chiều về qua bến sông quê mà nỡ ngoảnh mặt đi luôn. Vội chi cũng phải dành năm, mười phút để vục mặt vào làn nước sông mát rượi, hay ngồi bệt xuống bãi cát ven sông cùng người quen “năm câu ba sợi” tầm phào...
... Và còn tuổi thơ. Tuổi thơ đang chí chóe đu lưng trâu đen bóng khoái trá đằm mình xuống sông. Tuổi thơ đang vẫy vùng bên chị bò vàng ướt rượt, no căng đứng ngâm chân mơ màng ngắm vạt hoàng hôn đỏ lừ hắt phía trời Tây, chùng chình chưa muốn lên bờ...
... Và đêm xuống. Và trăng lên. Trăng chênh chếch soi nghiêng bóng đôi trai gái lén nhà hẹn nhau ra bến. Trăng hào phóng rắc vàng ngập gương sông lấp loáng. Trăng soi cho bến sông quê cần mẫn ghi vào biên niên sử từng câu chuyện tình mộng mị như trăng...