Trong khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu là đối tượng của cả trăm vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài thì Việt Nam mới chỉ sử dụng công cụ này 4 lần, với 3 vụ kiện tự vệ và 1 vụ kiện chống bán phá giá. Vậy điều gì cản trở các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại?
Bà Đinh Mỹ Loan và bà Nguyễn Thu Trang thuộc Trung tâm trọng tài WTO của VCCI chủ trì hội nghị
Tại Hội thảo “Điều gì cản trở DN Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để tự bảo vệ trước hàng hóa nước ngoài” do VCCI thực hiện, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy nhiều loại hàng hóa khác của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu chưa được bảo vệ bằng công cụ phòng vệ thương mại.
Đáng chú ý, khảo sát được Trung tâm WTO thực hiện với 1.000 DN thuộc 6 ngành sản xuất cho thấy, khoảng 60 – 70% các DN được hỏi biết về công cụ phòng vệ thương mại. “Đặc biệt, các DN không chỉ biết về công cụ phòng vệ thương mại với tính chất là rào cản ở nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, mà còn biết đến với tính chất công cụ có thể sử dụng ở trong nước, để bảo vệ chính mình” - bà Trang nói.
Tuy nhiên để đi kiện, dường như các DN Việt Nam hiện chưa có bất kỳ chuẩn bị vật chất gì sẵn sàng cho việc sử dụng công cụ kiện phòng vệ thương mại khi cần thiết. Bởi có tới 86% số DN cho rằng nếu đi kiện thì mình sẽ gặp khó khăn trong huy động tài chính cho việc này (trong đó 52% cho là khá khó khăn, 34% cho rằng việc huy động này là rất khó khăn). Chỉ có 2% cho rằng chi phí kiện phòng vệ thương mại sẽ không là vấn đề gì lớn.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Phòng vệ thương mại, Trung tâm WTO cho rằng, kiện phòng vệ thương mại không phải là “cuộc chơi” của mỗi DN riêng lẻ, nó là “cuộc chơi tập thể” – là chiến lược hay hành động của cả một ngành sản xuất nội địa sản phẩm liên quan. Để sử dụng công cụ này, các DN phải tập hợp lại với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa liên quan (cho sản phẩm liên quan).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải tập hợp những bằng chứng bán phá giá, bán hàng được trợ cấp, bằng chứng về những thiệt hại gây ra đối với mình, thuê luật sư tư vấn theo kiện… Đây là những yêu cầu cốt yếu cho mọi nguyên đơn trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.