Dân Việt

“Bão” ma túy càn quét làng quê - Kỳ 1: Bán cả... áo quan mua heroin

Gia Tưởng 15/10/2015 06:35 GMT+7
Nhiều năm trước, cư dân xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) vốn hay lam hay làm, cuộc sống chưa giàu nhưng cũng no đủ. Tuy nhiên, vài năm gần đây, “cơn bão” ma túy ập đến cuốn bay nhiều ngôi nhà, xóa tan bao hạnh phúc.

Lật từng tập hồ sơ lưu, ông Lò Văn Khiên - Trưởng công an xã Chiềng Sinh nói với tôi: “Ở đây tìm người làm ăn kinh tế giỏi thì hiếm chứ tìm con nghiện thì sẵn lắm. Trẻ thì mới 13 tuổi, già ngót 60 rồi vẫn nghiện...”.

200 triệu tiền học hóa “bột trắng”

Tôi cùng các công an đến bản Ly Xôm, vào nhà ông Quàng Văn Tun chỉ cách UBND xã khoảng 50m. Trong ngôi nhà sàn Thái cổ rộng thênh thang, trống huơ trống hoác, ông Tun và vợ - bà Pén cùng ở nhà vì đã lớn tuổi không đi làm thuê được nữa. Đẩy chén nước về phía khách, ông Tun kể: “Vợ chồng tôi đến với nhau cũng muộn, vì cả 2 đều đi đến 3 lần đò (tái hôn lần thứ 3 – PV) mới gặp nhau, đẻ chung được thằng Lả. Tôi và vợ cũng nhau làm lụng để nó được đi học ở trường dân tộc nội trú trên Điện Biên. Tiếp đó lại thắt lưng buộc bụng cho con đi học nghề ở Hà Nội với hy vọng đời con sẽ đi xa khỏi cái nương hơn”. Nhưng không ngờ Lả “cõng” hơn 200 triệu tiền ăn học xuống núi mua heroin. Thay vì tuổi già tận hưởng kết quả học tập của con trai, giờ ông bà chỉ ở nhà để canh thằng con, không cho nó khuân đồ trong nhà đi đổi lấy ma túy.

img

Quàng Văn Lả (phải) đã bán mọi thứ trong nhà mình để thỏa mãn cơn nghiện ma túy. Ảnh:  G.T 

Lòng bà Pén cũng tan nát: “Nó đi học vài năm về tốn gần 200 triệu đồng nhưng chẳng được mảnh bằng nào. Đầu tiên nó chỉ mang con gà, cái xoong, bao thóc của nhà đi bán... Rồi đến những mảnh vải truyền thống người Thái gia đình tôi dệt để dành làm chăn, làm đệm cất tận trong hòm nó cũng lôi ra bán hết. Ngay cả những mảnh ván ghép nhà, gỗ tốt cũng bị rút dần bán mất”. Một điều không ngờ tới là những tấm gỗ vợ chồng bà Pén để dành hàng chục năm, sau này khuất núi sẽ dùng làm áo quan, thế mà Lả cũng khuân đi từ lúc nào không hay! Chỉ tới khi  thấy trong người mệt mỏi, ông Tun lo xa mới đi tìm mấy tấm ván gác tít trên cao tận nóc nhà, mới phát hiện ra bị mất. Ông bà hỏi Lả thì nó nhận “do lên cơn vật thuốc, mà nó đã rút dần từng thanh ván áo quan để đi đổi lấy ma túy rồi”.

Bà Pén bảo: “Nhà tôi làm đơn cho nó đi cai nghiện bắt buộc rồi. Bởi nếu cứ để theo đà này, nó không chết vì ma túy thì cũng chết vì đi ăn trộm người ta đánh chết thôi”.

Ba bố con cùng nghiện

Khi được chúng tôi hỏi về tình hình người nghiện ma túy của bản Che Pai 3, ông Trưởng bản Bạc Cầm Vui nói: “Trong bản có bao nhiêu người nghiện tôi đều lắm được cả, hầu như gia đình nào có người nghiện cũng bị kiệt quệ. An ninh ở thôn bản phức tạp lắm, thỉnh thoảng lại có nhà mất đồ, mất gà, mất cá. Loại tài sản nào đáng giá từ 20.000 đồng trở lên cứ ngơi mắt ra là mất khiến bà con lúc nào cũng phải cảnh giác cao độ. Mà lớp nghiện già chưa hết thì lớp nghiện trẻ lại tiếp tục mọc lên”.

"Hiện Công an xã đang quản lý 105 hồ sơ người nghiện, 12/12 bản trong xã có người nghiện. Nhiều nhà có 2-3 người nghiện. Cho dù đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nhưng ma túy vẫn có sức mạnh hơn, làm mờ nhận thức của nhiều người”.


Ông Lò Văn Khiên - Trưởng công an xã Chiềng Sinh 

Ngay gần nhà ông Vui là gia đình ông Quàng Văn Thoảng (sinh năm 1962), với “thành tích” 3 bố con đều nghiện. Trong căn nhà xiêu vẹo, trống hoác, ông Thoảng ngồi thu lu góc nhà, ruồi đậu không buồn đuổi. Đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá, chỉ có vài đống quần áo cũ để lộn xộn khắp sàn. Ít ai nghĩ đây là một nơi ở của gần 10 con người cả già lẫn trẻ. Vợ ông Thoảng và 2 cô con dâu cùng 3 đứa trẻ lít nhít đang làm bữa trưa: Chỉ có một nồi cháo ngô mới ninh, sôi lịch xịch trên bếp lửa. Thức ăn chỉ có mấy ngọn đu đủ được thái mỏng đợi xào.

Ông Thoảng run rẩy mặc cả, phải cho tiền để nộp tiền điện thì ông mới nói chuyện. Nhìn vợ cầm tiền đi nộp tiền điện, ông Thoảng mới tâm sự: “Trước kia tôi đã từng làm công an xã, đã nhiều lần điều tra, phá tổng cộng được gần 10 vụ buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong bản. Chính những lần đi rình bắt, tôi được người ta mời dùng thử thuốc phiện. Hồi đó con nghiện vẫn còn hút thuốc đen, tôi tò mò hút thử, rồi cũng chẳng biết mình nghiện lúc nào. Nghiện nặng rồi mất việc, cũng không còn sức lao động. Đang là một gia đình khá giả mà bây giờ nhà tôi đã thành hộ nghèo kiết xác. Tôi hối hận lắm.”

Nhưng điều khiến ông Thoảng đau hơn là 2/3 người con trai của ông cũng “noi gương” bố làm bạn với ma túy.

Theo ông Bạc Cầm Sơn - công an viên xã Chiềng Sinh phụ trách bản Che Pai 3 thì có những lúc kiếm được tiền, bố con ông Thoảng rủ nhau mua thuốc về dùng chung. Còn những lúc hết tiền, đói thuốc, bố giật ma túy của con, 2 thằng con hút trộm thuốc của bố. Bố con chửi nhau, từ mặt, có những lúc đỉnh điểm còn đe giết nhau.

Chứng kiến toàn bộ bi kịch gia đình mình, bà Quàng Thị Tẹn - vợ ông Thoảng đau đớn: “Nhà tôi khổ lắm, nhiều lần đàn bà và trẻ con nhịn đói cả ngày không có hạt cơm, bắp ngô nào bỏ bụng. Nhưng chồng và 2 thằng nghịch tử nhà tôi cũng kệ. Chúng nó cứ khuân thóc, mang gà, dắt trâu của nhà đi đổi ma túy hết. Bây giờ mỗi năm nhà tôi thiếu ăn khoảng 4 tháng, phải đi đào, đi kiếm cái ăn linh tinh sống cho qua ngày, mấy con dâu và bọn trẻ con quần áo rách hết cũng không có tiền mua sắm nữa, tội nghiệp lũ trẻ lắm!”.

Đỉnh điểm của bi kịch nghiện ngập là anh con trai Quàng Văn Cương sau khi bắt trộm gà của hàng xóm đi bán, lấy tiền mua ma túy chích, sốc mà chết. Vợ và hai đứa con bơ vơ. Còn Quàng Văn Viên giờ đã thành một phần tử bất hảo, trộm vặt của bản, thậm chí Viên lội xuống cả ao để mò trộm cá đem bán. 

Ông Thoảng u ám: “Thằng Viên không cai được nữa rồi vì nó nghiện quá nặng, chắc là cũng có ngày nó đi theo thằng Cương thôi. Còn tôi thì cố gắng cai, không thì gia đình tôi khổ lắm. Nghiện ngập oan nghiệt lắm, đẩy cả gia đình vào địa ngục còn mình sớm muộn cũng thành con ma xơ xác mà thôi”.