Khủng bố tuổi teen
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ngày 15.10 đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng tại nước này, sau khi cảnh sát tiết lộ một nghi can khủng bố chỉ mới 12 tuổi.
Ông Andrew Colvin - Giám đốc Cảnh sát Liên bang Australia cho biết cảnh sát bị sốc khi biết nghi can chỉ mới 12 tuổi. Ảnh: AAP
Dư luận Australia rúng động trước thông tin của cảnh sát cho biết một cậu bé mới 12 tuổi đã bị lọt vào tầm theo dõi của lực lượng chống khủng bố. Theo cảnh sát, cậu bé 12 tuổi này nằm trong danh sách một số thanh thiếu niên có quan hệ mật thiết với Farhad Jabar - mới 15 tuổi, kẻ bắn vào gáy một cảnh sát ở Sydney khi hô vang các khẩu hiệu Hồi giáo cực đoan. Jabar bị cảnh sát bắn chết sau đó. Ngày 15.10, nhà chức trách cũng bắt giữ một thanh niên 18 tuổi có liên quan đến vụ xả súng của Jabar.
Chính quyền Australia công bố kế hoạch thắt chặt luật chống khủng bố, bao gồm biện pháp hạn chế đi lại của các nghi can từ 14 tuổi. Tại cuộc họp hôm 15.10, Thủ tướng Turnbull cho rằng chủ nghĩa cực đoan đang len lỏi vào hệ thống trường học của Australia.
Ông Andrew Colvin - Giám đốc Cảnh sát Liên bang Australia cho biết: “Chúng tôi bị sốc nặng vì một cậu bé 12 tuổi bị cảnh sát theo dõi vì nguy cơ khủng bố. Nhưng mối đe dọa khủng bố tại Australia đang biến đổi, đang trẻ hóa”.
Bộ trưởng Tư pháp Australia Michael Keenan cũng lên tiếng cảnh báo nguy cơ ngày càng nhiều trẻ em bị khủng bố tẩy não, cực đoan hóa. Dù vậy ông Keenan không tiết lộ cảnh sát nước này đang theo dõi bao nhiêu trẻ em có khả năng trở thành khủng bố.
Thủ tướng Turnbull khẳng định việc ngăn chặn ngay từ ban đầu những học sinh có dấu hiệu nhiễm chủ nghĩa cực đoan bạo lực là hết sức cần thiết, nhất là phải kiểm soát chặt chẽ hệ thống mạng internet vì đây là công cụ liên hệ chính giữa học sinh và những kẻ khủng bố bên ngoài nhà trường.
Ông Turnbull cũng kêu gọi cộng đồng Hồi giáo ở Australia hợp tác chặt chẽ với nhà chức trách để ngăn chặn nguy cơ khủng bố.
Chiến thuật tâm lý và chất gây nghiện
Australia đang lo ngại về nguy cơ xảy ra các vụ tấn công "sói đơn độc" của những đối tượng đơn lẻ được truyền cảm hứng từ các nhóm cực đoan như IS. Ngoài ra, Australia cũng đã thẳng tay trấn áp những công dân tìm cách tới các khu vực xung đột như Syria và Iraq. |
Không chỉ ở Australia, tại Nga giới chức cũng đang báo động nạn trẻ em bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) dụ dỗ, tuyển dụng. Theo báo Sputnik, Giáo sư Vladimir Kolotov thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia St. Petersburg cho biết, IS có kế hoạch tác động thông tin rất rõ rệt vào xã hội Nga. Theo Giáo sư Kolotov, những người có tâm lý không vững vàng sẽ lo sợ cho số phận của mình và cố gắng tham gia các nhóm cực đoan tàn bạo nhất với mục đích tự vệ. Trong thực tế, họ nhanh chóng mất đi mạng sống của mình khi bị sử dụng làm bia đỡ đạn.
Mới đây tại Nga đã có một số cô gái trẻ là con của những gia đình giàu có đã từ bỏ tất cả, mua vé và trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Những kẻ tuyển dụng quân cho IS nắm vững các thủ thuật tâm lý hiện đại nhất, để lung lạc giới trẻ và đưa họ ra làm bia đỡ đạn.
Theo Giáo sư Kolotov, trong IS có một bộ phận tuyển dụng đặc biệt sử dụng tiếng Nga. Mới đây tại St. Petersburg, chính quyền đã tiến hành một vài cuộc truy quét, kết quả đã phát hiện, vô hiệu hóa và bắt giữ các nhân viên của một số trung tâm tuyển dụng IS. Những trung tâm như vậy đang cố gắng hoạt động trong lòng các trung tâm văn hóa.
Giáo sư Vladimir Kolotov cho biết thêm, để tuyển dụng nhân viên mới, IS thậm chí còn sử dụng các chất gây nghiện. Ngoài ra, khi thu nhận được hàng chục triệu USD từ việc bán dầu, những kẻ khủng bố có thể thuê các nhà tâm lý, kể cả các chuyên gia tâm lý chiến của quân đội, để phát triển công nghệ tác động tâm lý tinh thần đối với quần chúng.