Dân Việt

Hồ Giáo - người từ chối làm quan để được… chăn bò

Lê Thọ Bình 17/10/2015 13:30 GMT+7
“Anh Hồ Giáo ơi/ Tôi nghe tiếng khèn pi yêu thương giữa lòng anh/Say mê những đàn bê, vâng theo anh Hồ Giáo…/ Tôi nghe núi Ba Vì với sông Đà hòa tiếng ca” (ca khúc “Bài ca anh Hồ Giáo” của nhạc sĩ Nhật Lai) - qua giọng hát vàng một thời Quốc Hương vẫn vang lên đâu đó đưa tiễn ông Hồ Giáo về trời…

Niềm vui sướng gấp trăm lần mặc comple, đeo cà vạt

Vào đầu năm 2000 tôi đã có một tuần sống cùng với Anh hùng Hồ Giáo. Cứ sáng dậy, 5 giờ tôi lại cùng ông lóc cóc đi bộ chừng 5km tới trại trâu sữa Murrah ở Hành Thuận, nằm bên dòng kênh Thạch Nham nước trong xanh ngắt. 17 giờ lại từ Hành Thuận về nhà ông ở trung tâm thành phố. Có lần, trên đường từ trại trâu về nhà, tôi đã tò mò hỏi ông Hồ Giáo: "Hai lần Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội 3 khoá liền (khoá III, IV và V) mà gần như cả cuộc đời chỉ là anh hùng chăn bò “binh nhì”, ông có cảm thấy như vậy là bất công không?”, Hồ Giáo  cười hiền khô: "Hai lần tôi được đề bạt làm phó giám đốc, nhưng tôi đều từ  chối. Tôi chỉ mê nuôi trâu thôi. Hồi ở Ba Vì tôi nuôi bò, làm đội trưởng đội 1, lãnh đạo bảo tôi làm phó giám đốc, tôi nói: “Tôi lớn tuổi rồi, trình độ quản lý lại không có, để người trẻ có trình độ làm”. Về Sông Bé họ cũng bảo tôi làm phó giám đốc, tôi cũng khước từ. Trước khi về Sông Bé, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi tôi lên, có mặt cả ông Viện trưởng Viện Chăn nuôi nữa. Tôi nói: “Đưa tôi vào làm chăn nuôi trực tiếp thì tôi làm, chứ còn lãnh đạo thì tôi không làm đâu".

img

Ông Hồ Giáo chăm sóc đàn trâu Murrah ở trại trâu Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi (năm 2009).  Ảnh:   NNO

“Thú thực những lúc bế con bê con vừa ra đời trên tay, tôi cảm thấy vui sướng gấp trăm lần mặc comple, đeo cà vạt ngồi phòng giám đốc. Tôi có quyền chọn cái mình thích chứ"- ông Hồ Giáo đã nói với tôi như vậy ngay tại trại trâu  của mình.

Trâu bò là tri kỷ

Có thể nói tình yêu của ông Hồ Giáo đối với lũ trâu bò là vô bờ bến. Có tận mắt chứng kiến cái cảnh ông chăm chút từng ngọn cỏ- miếng ăn cho những con bê con, xoa đầu âu yếm chúng, ánh mắt ông rạng ngời, mới hiểu với ông trâu bò không chỉ là những vật nuôi, mà chúng còn là tri kỷ.

Chị công nhân cùng ở trại trâu sữa Murrah kể rằng một lần con Murrah Sơn Tịnh (Hồ Giáo lấy tên các địa danh của Quảng Ngãi để đặt tên cho cho từng con trâu - PV) sắp đến ngày sinh nở thì bị ốm. Đêm đông rét như cắt vào da thịt bác ấy phải đem chăn chiếu ra ngủ cạnh nó, đốt lửa cho nó sưởi và vỗ về, trò chuyện với nó suốt đêm. "Trâu bò cũng như con người, chúng nó cũng biết vui, buồn, giận hờn" - Hồ Giáo nói, rồi kể cho tôi nghe chuyện về 2 con bê  Song Kiều ở Ba Vì. "Hồi ấy có con bò giống tên là “Mười tám” đẻ một lúc 2 con bê cái. Khó đẻ lắm. Tôi thức suốt đêm để vỗ về an ủi nó bảo nó hãy cố lên. Cuối cùng con “Mười tám” cũng nghe ra. Vì là sinh đôi nên 2 con bê yếu lắm. Tôi phải cho chúng uống sữa, chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Hai chị em chúng càng lớn càng yêu thương nhau, kỳ lạ là con chị bao giờ cũng nhường nhịn con em. Ăn cũng nhường em ăn no, rồi còn lại mới ăn. Nằm trong chuồng cũng nhường em chỗ khô ráo, ấm áp hơn". Dừng lại hồi lâu Hồ Giáo đột ngột quay sang tôi nói như là hỏi: “Thế cậu bảo chúng có giống 2 đứa trẻ không nào?".

Hồ Giáo kể tiếp:" Ở trại trâu Sông Bé, 2 con Murrah vì tranh giành một ngọn mía, đánh nhau kịch liệt. Hàng chục công nhân dùng gậy gộc, thừng chão để ngăn chúng, buộc vào sừng, chân, kéo chúng ra mà không được. Trên rừng về, thấy thế tôi chạy tới quát lên: Hai đứa có thôi đi không nào! Chúng nghe tiếng tôi thì không húc nhau nữa, nhưng 2 chiếc đầu vẫn ghì lấy nhau, tôi lại gần vỗ vào 2 cái đầu, nói nhỏ: Có thừa sức thì lên rừng mà giết hổ chứ sao anh em lại cắn xé lẫn nhau. Nói xong tôi ẩy 2 cái đầu ra. Chúng ngoan ngoãn nghe lời". Dừng một lát Hồ Giáo nhìn sâu vào mắt tôi như dò xét, như muốn xem tôi có tin lời ông kể hay không, rồi lại đột ngột hỏi: "Thế cậu bảo trâu có khác chi con người không nào?".

Ông đã có truyền nhân

Nhưng, dẫu có yêu thương đàn trâu đến thế nào đi chăng nữa thì rồi cũng có lúc ông buộc phải rời xa chúng. Thời điểm đó là năm 2010, ông tuổi đã cao, mắt đã mờ, đôi chân đã không còn có thể thả bộ hàng ngày 10km nữa. Trước khi về ông đã chọn được cho mình được một truyền nhân- Hồ Ngọc Tâm, người cháu họ của mình. Tâm là con út trong một gia đình nông dân, anh em đông, ở thôn Phước Bình, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh). Năm học lớp 10, các anh chị lập gia đình, mẹ qua đời, cha già nên Tâm cáng đáng mọi việc trong nhà. Để có tiền ăn học, ngoài việc làm đồng, Tâm còn chăn nuôi gia súc. Học xong 12, Tâm thi đỗ vào Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Quảng Nam.

Năm 2004 Tâm ra trường. “Mỗi lần về thăm quê, tôi thấy hắn  siêng năng, yêu vật nuôi, tôi mừng lắm, nghĩ truyền nhân của mình đây rồi”- ông Hồ Giáo kể. Vì vậy, trước khi “rửa tay gác kiếm” ông đã đề nghị giao đàn trâu lại cho cháu mình chăm sóc.

“Những ngày đầu ở trại công việc cũng chỉ lặp đi lặp lại là cắt cỏ, quét dọn chuồng trại, tắm rửa cho gia súc nên cũng ngán! Nhưng đêm nằm ngẫm nghĩ những câu chuyện về cuộc đời của bác, những con trâu tội nghiệp kia đã giữ chân tôi ở lại"- Tâm chia sẻ. Đến cuối năm 2010, ông Giáo về hưu, Tâm đã cáng đáng hết mọi việc. "Thấy nó đã thuần việc, tôi về hưu cũng an tâm. Tôi nghĩ nó sẽ chăm sóc tốt cho đàn trâu" – người chăn bò vĩ đại Hồ Giáo khép lại “pho sách”- cuộc đời 50 năm chăn bò của mình như vậy.

Rót cho tôi một cốc sữa trâu nguyên chất còn nóng hổi, ông Hồ Giáo bảo: “Nói cậu đừng cười, lần họp ở Hà Nội có mấy ngày mà tôi nhớ lũ bò đêm nằm không tài nào chợp mắt được, chỉ mong mau hết họp để về với chúng”.