Dân Việt

Trồng rau nhíp, đồng bào S’tiêng có thêm tiền mua gạo

TÂN TIẾN 24/10/2015 06:15 GMT+7
Dẫn chúng tôi vào vườn điều hơn 3ha, anh Điểu Ràng (SN 1984) ngụ thôn 5, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng (Bình Phước), chỉ những hàng cây lá nhíp (rau nhíp) thẳng tắp và nói: “Tháng này tôi bán được 60kg lá nhíp, thu gần 3 triệu đồng, có tiền mua gạo và phân bón cho vườn điều đấy”.

Loại cây đa lợi ích

Theo anh Điểu Ràng, khoảng 10 năm trước khi diện tích rừng ở huyện Bù Đăng bắt đầu bị thu hẹp, nhiều già làng lo sợ loại cây lá nhíp sẽ tuyệt chủng nên bứng đem về trồng trong vườn nhà để vừa lưu giữ giống, vừa có rau sạch ăn hàng ngày mà không phải vào rừng tìm hái. Một thời gian sau, nhiều người thấy cây lá nhíp không chỉ có tác dụng chống xói mòn đất mà còn tạo độ ẩm trong vườn điều, tiêu, giảm bớt lượng phân bón nên đã tiến hành trồng đại trà.

“Lá nhíp ưa bóng râm nên phải trồng dưới tán điều hoặc cây cao hơn nó. Khi trồng, đào lỗ sâu khoảng 20cm, đắp kín đất, 1 năm sau cây sẽ cho thu hoạch lá. Để dễ dàng hái lá nhíp và thuận lợi khi thu hoạch điều, người ta thường trồng rau nhíp theo hàng thẳng, mỗi hàng cách nhau 3m” - anh Ràng hướng dẫn.

img

Anh Điểu Ràng (bên trái) trong vườn điều xen lá nhíp của gia đình. Ảnh: Tân Tiến

Lúc đầu người dân trồng lá nhíp chỉ để ăn và giúp chống xói mòn đất. Sau thấy nhiều người tìm mua nên bà con S’tiêng ở thôn 5 đã trồng đại trà để cung cấp cho thị trường. “Nhờ loại lá này mà nhiều gia đình ở đây có thêm khoản thu nhập khá hàng tháng, như hộ Điểu Hùng trồng rau nhíp trong 1,5ha điều, mỗi tháng mùa mưa thu hoạch từ  80-100kg lá, giá trung bình 40.000 đồng/kg, thu được 3,2 – 4 triệu đồng/tháng. Hay gia đình anh Điểu Ràng, mỗi tháng hái 2 đợt được khoảng 60kg lá, thu về 2,5–3 triệu đồng. Rất nhiều hộ dân trong thôn nhờ trồng lá nhíp đã thoát được đói nghèo” - anh Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội ND xã Minh Hưng khẳng định.

Nhân rộng mô hình dưới tán điều

 “Nhận thấy loại lá này cung không đủ cầu, không những giúp thoát nghèo, tránh được tình trạng vào rừng chặt cây dẫn đến tài nguyên rừng cạn kiệt, từ năm 2011, Trạm Khuyến nông huyện Bù Đăng đã triển khai dự án trồng “lá nhíp dưới tán điều” tại 3 xã: Minh Hưng, Phước Sơn và Đồng Nai. Đến nay đã có khoảng 400ha vườn điều trồng xen lá nhíp, trong đó xã Minh Hưng thí điểm diện tích lớn nhất (gần 200ha)” - anh Lê Minh Hải, chuyên viên Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Bình Phước cho biết.

Trước băn khoăn của phóng viên về việc trồng với số lượng lớn như thế, đầu ra giải quyết thế nào, anh Châu bảo: “Hiện nay hầu như trong các bữa tiệc của nhà hàng và nhiều gia đình ở Bù Đăng đều có món lá nhíp. Vì vậy thu hoạch xong, bà con chỉ cần đem ra chợ Minh Hưng hoặc thị trấn Đức Phong bán là thương lái mua rồi đem về bỏ mối cho các tỉnh Bình Phước hoặc TP.Hồ Chí Minh, nên không sợ thiếu đầu ra. Tới đây mô hình này còn được nhân rộng trên toàn huyện Bù Đăng”. 

  “Lá nhíp là thực phẩm sạch, chứa nhiều chất dinh dưỡng, chế biến được nhiều món: Nấu canh cá, xào với đọt mây rừng, lòng gà… Ngoài ra, lá nhíp còn có tác dụng phục hồi sức khỏe đối với người mất sức hay trẻ biếng ăn. Sau khi ăn lá nhíp sẽ ăn cơm khỏe hơn. Đặc biệt với phụ nữ sau sinh, nếu thiếu sữa ăn lá nhíp sẽ kích thích tạo sữa và làm mát cơ thể”.