Dân Việt

Đói giáp hạt, nông dân nghèo nghĩ cách vươn lên thành triệu phú

Khắc Điệp 23/10/2015 06:40 GMT+7
Với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, ông Hoàng Văn Cát, dân tộc Tày, ở thôn Ngòi Kèn, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái) lãi 200 triệu đồng/năm.

img

Ông Cát (trái) giới thiệu về mô hình nuôi ong của gia đình.  Ảnh: K.Đ

Ông Cát kể, mấy năm trước, gia đình ông thuộc diện nghèo, có năm vẫn đói giáp hạt. Cái đói, cái nghèo đã buộc ông phải nghĩ cách vươn lên. Với chút vốn nhỏ, ông mua 4 con lợn giống về nuôi. “Có lẽ trời thương người chịu khó nên mấy năm liền nhà tôi nuôi lợn lứa nào cũng thắng. Tiền dôi dư ra tôi đều tái đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, số lượng đầu lợn/lứa…”- ông Cát nhớ lại.

Nhờ ham học hỏi, chịu khó học tập kinh nghiệm chăn nuôi lợn của những người thành công đi trước mà 3 năm nay, trung bình mỗi năm ông Cát cho xuất chuồng 3 lứa lợn thịt với số lượng từ vài chục tấn, doanh thu hơn 200 triệu đồng…

Bên cạnh nuôi lợn, ông Cát còn đầu tư nuôi cá các loại như rô phi đơn tính, trắm, chép… Nguồn thu từ cá cũng mang lại cho gia đình ông vài chục triệu đồng/năm. Tận dụng lợi thế địa bàn miền núi, từ năm 2012 đến nay, ông Cát đầu tư nuôi thêm dê. Chưa đủ, ông Cát còn học hỏi và áp dụng mô hình nuôi ong mật, với số lượng 20 đàn.

“Ở miền núi, ngoài các mùa hoa vải, hoa nhãn theo vụ thì còn nhiều loại hoa rừng. Nuôi ong có thể tận dụng được những nguồn hoa đó để thu mật. Mỗi mô hình góp vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng là nông dân miền núi có tiền xây nhà, mua sắm vật dụng gia đình, cho con cháu học hành đàng hoàng…”- ông Cát vui vẻ lý giải.

Qua hạch toán, mỗi năm trừ chi phí, kinh tế trang trại tổng hợp chăn nuôi tổng hợp ông Cát bỏ túi trên 200 triệu đồng. “Ở địa bàn miền núi, nói là khó khăn, nhưng nếu người nông dân chịu thương, chịu khó, hay lam hay làm, tận dụng được lợi thế đất đai rộng để đầu tư xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt thì làm giàu không khó…”- ông Cát chia sẻ.