Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng hoa cúc dịp Tết, cứ mỗi độ chừng tháng Tám (âm lịch), chị Hồ Thị Hoàng (52 tuổi, trú phường Bình Định, TX.An Nhơn, Bình Định) lại “treo bảng” tuyển nhân công để làm đất, ươm hoa.
“Năm nay gia đình tôi trồng hơn 1.000 chậu hoa cúc và phải bỏ ra gần 100 triệu đồng để chi phí cây giống, xây dựng vườn hoa. Để cây phát triển tốt và hiệu quả, vợ chồng tôi phải lặn lội lên tận Đà Lạt để mua cây giống với giá 200 đồng/ cây, rồi ươm vào chậu. Tùy theo kích thước chậu mà ươm số lượng cây khác nhau, chậu nhỏ ươm 50 cây, chậu lớn thì chừng 400 cây”.- Chị Hoàng cho hay.
Người trồng hoa cẩn thận trong từng công đoạn.
Theo chị Hoàng, sau 4 tháng dày công chăm sóc thì 1 chậu nhỏ bán xỉ ra thị trường với giá 130 ngàn đồng/chậu, chậu lớn có giá gần 1 triệu đồng.
Màu xanh non mơn mởn của hoa cúc vụ Tết.
Tuy nhiên, để đạt được thành quả ấy, người trồng hoa phải “ăn ngủ” tại vườn và tỉ mỉ trong từng công đoạn trồng hoa. Chị Hoàng chia sẻ: “Để giống cây sinh trưởng tốt, người trồng hoa kỹ lượng từ công việc làm đất, tưới hoa, cắt đọt, bón phân, phòng sâu bệnh… cho đến canh ngày để hoa nở đúng hẹn. Vào thời gian “nước rút” thì vườn hoa của gia đình tôi thuê gần 20 nhân công, bình quân khoảng 140 ngàn đồng/ ngày công”.
Hoa cúc được nằm dưới mái che để sinh trưởng tốt nhất.
Đang loay hoay cắt đọt, chị Võ Thị Châu (làng hoa Vĩnh Liêm, phường Bình Định), nói: “Làm nghề ngày, phải thường xuyên theo dõi thời tiết trên ti vi. Vì việc chọn búp cái cho cây hoa rất quan trọng, phải đúng ngày và phù hợp với nhiệt độ. Nếu thấy lạnh thì chọn búp sớm hơn, còn nắng nhiều thì nên chọn búp muộn, chăm chút từng tí một thì mới có thành quả được”.