Dân Việt

Kỳ vọng làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản

Nguyễn Phương 23/10/2015 08:42 GMT+7
Không chỉ về thương mại, xuất nhập khẩu, TPP đang kỳ vọng sẽ đưa lại làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam từ đất nước Nhật Bản…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, TPP mà Việt Nam tham gia trong đó có Nhật Bản sẽ mở ra nhiều cơ hội mới về thu hút đầu tư - công nghệ, mang lại động lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam.

img

Một doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trồng rau xà lách tại xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.  Ảnh:  T.L

Hiện nay có gần 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam và họ càng nhận thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân. “Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư sang Việt Nam đều mong muốn mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh ở nước ta. Họ nhận thức tầm quan trọng của Việt Nam và hầu như không có ý định rút khỏi đây” – ông Dũng khẳng định.

Với Hiệp định TPP, lãnh đạo Bộ KHĐT cho rằng, Chính phủ Nhật Bản sẽ có những chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp nước này mở rộng đầu tư sang Việt Nam. Vấn đề của ta là cần có định hướng rõ ràng về lĩnh vực nào ưu tiên để có thể thu hút các dòng vốn đầu tư của Nhật cũng như các nước khi TPP có hiệu lực. Thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản có mong muốn đầu tư ra nước ngoài, phần lớn đều lựa chọn Việt Nam. Trong số hơn 500 doanh nghiệp được Jetro (Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư Nhật Bản) tìm hiểu mới đây, có tới 130 công ty mong muốn đầu tư vào Việt Nam; trong khi chỉ có 78 doanh nghiệp muốn đầu tư vào Thái Lan.

Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, với việc hoàn thành đàm phán TPP, dự kiến sắp tới làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh. Các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam nên có những nghiên cứu cụ thể để đón đầu làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh và tăng chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh để giữ vững và phát triển thị phần.

Người đứng đầu VCCI cho rằng, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác và tận dụng hiệu quả cơ hội mà TPP mang lại trong đó có Nhật Bản và cùng hưởng lợi (win-win) với các nhà đầu tư nước ngoài thì các doanh nghiệp cần định hướng lại thị trường, tìm kiếm và đa dạng bạn hàng; tổ chức lại sản xuất và đảm bảo xuất xứ cho hàng hóa.

“Các doanh nghiệp cần phải chủ động, xác định lợi thế của mình, chuẩn bị các  chiến lược kinh doanh để sẵn sàng cho cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu theo lộ trình giảm thuế khi hội nhập. Đó chính là chìa khóa giúp mở sang trang mới quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Nhật Bản”- ông Lộc nhấn mạnh.