Thưa ông, trong khi chiến trường Syria vẫn đang chìm ngập trong đạn khói của những đợt không kích thì Nga và phương Tây lại đang lên tiếng tố cáo lẫn nhau. Ông bình luận gì về vấn đề này?
-Dưới góc nhìn của chuyên gia, tôi cho rằng mục đích của những hành động quân sự của Nga ở Syria vẫn chưa thực sự rõ ràng giữa việc chống khủng bố IS hay bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad. Nên việc xuất hiện những luồng dư luận tố nhau qua lại giữa Mỹ và Nga trong thời điểm này hoàn toàn dễ hiểu.
Tổng thống Syria Assad đã bay thẳng đến Mátxcơva để cảm ơn Nga. Ảnh: Guardian
Trong chiến dịch không kích của Nga, một số lãnh đạo của phe “ôn hòa”, được Mỹ hậu thuẫn ở Syria đã bị tiêu diệt, nên những chỉ trích của Mỹ cũng có cơ sở.
Trên thực tế, dù Nga tuyên bố can thiệp quân sự vào Syria với mục đích chống khủng bố, nhưng rất dễ nhận thấy Nga có lợi ích rất lớn ở Syria vì Nga có căn cứ quân sự tại đây. Thông qua việc đẩy mạnh hoạt động quân sự, Nga muốn tăng cường vai trò và ảnh hưởng của mình ở Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.
Tuy nhiên, thành quả đạt được quan trọng nhất trong chiến dịch không kích vừa qua là Nga đã đạt được mục đích phục hồi kinh tế như “kích” được giá dầu lên, chưa kể những lợi ích khác của các tập đoàn quốc phòng. Cục diện ở Trung Đông hiện nay rất phức tạp với hàng trăm phe phái khác nhau, nên hiện nay không thể nói rằng phe nào là chính danh.
Nhưng rõ ràng rằng, xét về những mục tiêu mà chính Nga đặt ra thì hành động quân sự của Nga ở Syria trong những ngày qua đã đạt được hiệu quả.
Nhưng cũng có những hoài nghi rằng Nga sẽ sa lầy ở chiến trường Syria?
-Tại thời điểm hiện nay rất khó để khẳng định Nga có sa lầy ở Syria hay không. Tôi cho rằng chỉ có thể nói, đến giờ phút này những tính toán của Nga ban đầu đã đạt được hiệu quả. Hơn nữa, chúng ta vẫn không thể biết được tường tận mục đích và chiến lược của Nga ở Syria. Ngoài ra, việc thành hay bại còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố bởi thực tế Syria bây giờ đã trở thành một “mặt trận quốc tế hóa”.
Tất nhiên sẽ có những lo ngại và những kịch bản xấu về khả năng Nga bị sa lầy luôn được tính tới. Nhưng, Nga không dại gì để sa lầy, mục đích chính của Nga là “lợi dụng” Syria để phục hồi kinh tế.
Nếu không dễ để sa lầy ở Syria thì chắc hẳn Nga đã có sẵn lối thoát?
-Đúng vậy, lối thoát của Nga đã có và có sẵn ngay từ những phút giây đầu tiên của chiến dịch không kích, đó là việc Nga tuyên bố can thiệp vào Syria để chống lại khủng bố. Nga đã khôn ngoan khi giới hạn cuộc chiến của mình trong cuộc chiến chống khủng bố, đó là lối thoát. Và, đến một thời điểm nào đấy phù hợp với tình thế, Nga tuyên bố cuộc chiến chống khủng bố đã kết thúc với những thành quả đạt được rất lớn, Nga thu quân về và đó là lối thoát êm đẹp.
Trong động thái mới nhất, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bay sang Nga và phát biểu rằng, ông sẵn sàng giao vũ khí cho phe đối lập. Theo ông, vì sao lại có tuyên bố đầy bất ngờ này?
-Tuyên bố của ông Assad quả thật gây bất ngờ cho giới bình luận quốc tế. Chúng tôi vẫn đang theo dõi tiếp những động thái khác để phân tích kỹ hơn mục đích của tuyên bố nói trên. Nhưng cảm giác ban đầu là ông Assad có lẽ muốn xây dựng lòng tin, tạo ra những cử chỉ thiện chí, nhưng cụ thể động thái của ông Assad có được chấp nhận hay không thì chưa rõ.
Thậm chí ngay cả số phận chính trị của ông Assad cũng không dễ dàng phân định, bởi những gì đang diễn ra ở Syria vô cùng phức tạp. Chúng ta chỉ có thể nói rằng tuyên bố của Assad là khá bất ngờ để xây dựng lòng tin vì xung quanh ông này có quá nhiều kẻ thù, nên ông muốn việc lấy lại hình ảnh của mình để loại bỏ bớt những kẻ thù phụ để tập trung đối phó với kẻ thù chính.
Xin cảm ơn ông!
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch tấn công các mục tiêu của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, lực lượng không quân Nga đã tiến hành 934 đợt không kích, tiêu diệt 819 cơ sở của IS cũng như các nhóm khủng bố khác. Hơn 50 máy bay và trực thăng Nga đã được triển khai tại Syria phục vụ chiến dịch này. |