Dân Việt

Tầm nhìn thoái vốn Vinamilk

P.V 24/10/2015 09:02 GMT+7
“Vinamilk sẽ gia tăng sức cạnh tranh như thế nào? Làm thế nào để chúng tôi có thể tham gia đầu tư vào công ty?” là hai câu hỏi mà giới đầu tư và các doanh nghiệp Nhật Bản đặt ra cho bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam khi bà nhận giải thưởng Nikkei Asia 2015 hồi tháng 5 năm nay ở Tokyo.

Mối quan tâm của các nhà đầu tư Nhật dành cho Vinamilk là rất lớn và khi đó mặc dù quyết định nới room chưa được thông qua, họ vẫn kỳ vọng room sẽ mở ở Vinamilk cho nhà đầu tư nước ngoài.

img

Dây chuyền sản xuất sữa nước của Vinamilk tại nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: MINH TÂM

Bởi thế giờ đây khi Chính phủ quyết định thoái hết vốn nhà nước ở Vinamilk và chín doanh nghiệp khác và giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét nhằm đạt lợi ích cao nhất, cả thị trường dồn ánh mắt về SCIC.

Cho đến trước quyết định này, SCIC vẫn tuyên bố nắm giữ lâu dài cổ phiếu Vinamilk (cùng với Công ty FPT, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang). SCIC thậm chí đã phủ quyết mọi kiến nghị phát hành cổ phiếu ưu đãi hàng năm cho người lao động của Vinamilk nhằm làm giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước, bất chấp việc phát hành được luật pháp cho phép.

Trả lời phỏng vấn VTV, ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC, đã khiến thị trường thất vọng khi cho biết SCIC chưa chọn thời điểm thoái vốn. Ông đề cập đến khả năng bán khoảng 10% cổ phần Vinamilk lần đầu, có thể theo phương thức thỏa thuận ngoài sàn để đạt được mức giá cao hơn so với biên độ ±7% của Hose. “10% là đã có giá trị hơn 10.000 tỉ đồng, một số tiền lớn”, ông Đạo nói.

Đã từ lâu và ngay cả hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiến hành giao dịch thỏa thuận (giữa họ với nhau) ngoài sàn cổ phiếu Vinamilk với giá cao hơn khoảng 10-15% so với thị giá trên sàn. Có lẽ SCIC nhìn vào sự chênh lệch giá này để định hướng việc thoái 10% cổ phần Vinamilk chăng?

Cơ hội để thoái được vốn nhà nước ở Vinamilk và chín doanh nghiệp khác với giá cao hơn giá trên Hose, Hnx là hiện thực, đừng để nó vuột qua để rồi phải nhắc đến từ “giá như”!

Một nhà đầu tư đã phải ngỡ ngàng thốt lên: “Tầm nhìn của SCIC chỉ đến thế thôi sao? Thiếu gì cách thức bán tốt hơn, minh bạch hơn, công khai hơn để mang lại lợi ích nhiều hơn cho quốc gia, mà cụ thể là cho ngân sách nhà nước. Cho dù tiền thu về dùng để xây bệnh viện, cơ cấu lại nợ hay đầu tư vào đâu chăng nữa, thì cũng phải bán với giá tốt nhất có thể”.

Để phát hành 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế, Bộ Tài chính không những thuê tổ chức tư vấn tầm cỡ, có uy tín, mà còn thực hiện các buổi giới thiệu (roadshow) ở các trung tâm tài chính thế giới như Mỹ, Nhật, châu Âu. Để làm gì? Để có thể bán được trái phiếu và bán với mức lãi suất tốt nhất, có lợi nhất cho Việt Nam. Trái phiếu quốc tế là sự cam kết của Chính phủ đối với giới tài chính thế giới về việc hoàn trả cả gốc và lãi. Một tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế đã làm như thế, còn giá trị 45,1% cổ phần Vinamilk mà Nhà nước đang sở hữu có giá thị trường tới 2,5 tỉ đô la Mỹ, tức gấp 2,5 lần. Vậy thì không có lý do gì chúng ta không nỗ lực hết sức để có thể thu về giá trị tốt nhất.

Việc bán cổ phần nhà nước ở Vinamilk và chín doanh nghiệp khác, vì thế, nên được tiếp thị rộng rãi ở nước ngoài nhằm thu hút các tổ chức đầu tư quy mô. Mối quan tâm của nước ngoài càng cao, sự cạnh tranh mua của họ càng quyết liệt, thì Nhà nước càng có cơ hội thoái vốn thành công. Mặt khác, một đợt tiếp thị như thế còn gửi ra bên ngoài thông điệp về sự cởi mở, thông thoáng trong chính sách kinh tế của Việt Nam; rằng Việt Nam đang quyết tâm cải cách doanh nghiệp nhà nước và quan trọng nhất là Việt Nam có những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, những thương hiệu trị giá tỉ đô, nơi dòng vốn quốc tế có thể đặt chân đến để tìm kiếm lợi nhuận.

Với vai trò “ông chủ”, mà là “ông chủ” lớn, trong trường hợp SCIC không muốn bỏ ra các chi phí tiếp thị, hãy giao quyền tiếp thị đó cho chính các doanh nghiệp nơi Nhà nước sẽ thoái hết vốn. Có lý do để tin tưởng các công ty như Vinamilk, FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Bảo hiểm Bảo Minh, Tái bảo hiểm Vinare... sẵn sàng nhận trách nhiệm đi “chào hàng” nước ngoài vì đây là cách thức hiệu quả để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp.

Hãy hình dung nếu có một công ty đa quốc gia nào đó muốn trở thành cổ đông của Vinamilk, họ sẽ hỗ trợ cho Vinamilk những gì còn thiếu để khoản đầu tư của họ sinh lời, để sự hiện diện của họ ở Việt Nam cắm rễ bền chắc. Điều đó há chẳng tốt hơn cho Vinamilk so với vai trò của SCIC ở công ty này sao? SCIC không tham gia điều hành; không phải lo doanh thu, lợi nhuận bởi nếu hai chỉ tiêu này mà giảm, giá cổ phiếu trên sàn bị ảnh hưởng, các nhà đầu tư và cổ đông khác sẽ lên tiếng tức thì. SCIC chỉ cần nhận cổ tức tiền mặt năm nay cao hơn năm trước và nhìn đống tài sản sinh sôi.

Sau các đợt tiếp thị, với sự tư vấn, bảo lãnh của các tổ chức quốc tế, Bộ Tài chính - người giữ tay hòm chìa khoá ngân khố quốc gia, có thể tổ chức đấu giá công khai cho mọi đối tượng nhà đầu tư có nhu cầu. Mức giá khởi điểm, khối lượng bán một hay nhiều đợt phụ thuộc vào khảo sát nhu cầu của các nhà đầu tư quốc tế và trong nước. Sự bảo lãnh của các tổ chức tư vấn quốc tế là một trong những điểm nhấn để đợt đấu giá thành công.

Sau quyết định nới room, sau khi đàm phán TPP được hoàn tất, sức hấp dẫn của thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam đang dần tăng lên với nước ngoài. Chọn thời điểm chuẩn xác để tiếp thị và đấu giá là điều phải cân nhắc, nhưng bắt đầu từ bây giờ không phải là quá sớm. Đừng quên cơ hội thường không lặp lại hai lần. Nhà nước đã từng bán được cổ phần tập đoàn Bảo Việt với giá bình quân 72.000 đồng/cổ phiếu, Vietcombank với giá 102.000 đồng/cổ phiếu. Cơ hội để thoái được vốn nhà nước ở Vinamilk và chín doanh nghiệp khác với giá cao hơn giá trên Hose, Hnx là hiện thực, đừng để nó vuột qua để rồi phải nhắc đến từ “giá như”!