Theo tư liệu chép tại chùa, Thiền sư Bảo Sái – người có công trong việc coi sóc ấn hành Đại Tạng Kinh triều Trần. Ngôi chùa Bảo Sái Yên tử qua nhiều lần trùng tu và gần đây nhất là vào năm 2012, khuôn viên được mở rộng gồm các công trình: Chính điện, nhà Tổ, sân chùa và khu gườm đá phía sau chùa. Chính điện thờ tượng Phật, Nhà Tổ thờ Tam Tổ Trúc Lâm, Bảo Sái và Tổ Bồ-đề Đạt-ma.
Chùa Bảo Sái Yên Tử cũng gắn với câu chuyện dân gian khi xưa, cứ mỗi lần sư chùa tụng kinh, gõ mõ là hổ lại đến bên gốc dổi nghe kinh kệ. Ngày tháng qua đi, hổ và nhà sư luôn sống gần nhau. Bỗng một ngày kia, sư chùa lâm bệnh rồi viên tịch. Vắng bóng nhà sư, không còn tiếng tụng kinh, gõ mõ, hổ đau đớn, thét gầm vang núi, ôm chặt thân cây dổi cào xé. Sau ngày đó, hổ biệt tăm. Để ghi lại sự tích này, đời sau đã tạc tượng hổ bên giếng thiêng và khắc vào vách đá 4 chữ “Hổ bao niết linh”, tức “dấu vết ôm cây của hổ thiêng”. Những thân cây dổi cổ thụ với những vết cào xé, được cho là dấu vết của móng vuốt hổ ôm cây khi đó, bên cạnh là một bàn chân đá và rùa đá do thiên tạo, trông vô cùng linh thiên huyền bí trong mây núi Yên Tử.
Góc chùa Bảo Sái Yên tử là gườm đá ghi câu chuyện Phật Hoàng nhập Niết bàn vào một đêm tháng mười một năm 1308, nay vừa tròn 707 năm. Trong tác phẩm “Am Mây Ngủ” có đoạn kể Thiền sư Bảo Sái ở bên và được nghe lời dạy cuối cùng của Phật Hoàng về triết lý căn bản của Nhà Phật trước khi Ngài viên tịch.
Chùa Bảo Sái, Yên Tử.
Bên trong chính điện chùa.
Ảnh cây dổi cổ thụ, thân cây còn in dấu móng vuốt hổ ôm cây.
Ảnh một bàn chân đá do thiên tạo.
Rùa đá do thiên tạo.
Gườm đá tôn trí tượng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, bên trái là t¬ượng Bảo Sái trong tư thế quỳ trên bệ sen.
Ban thờ sơn thần và giếng thiêng.
Những viên gạch ở chùa Bảo Sái.
Chùa Bảo Sái còn được hiểu là những giọt nước chảy thành tua, thấm nhuần mưa móc của Đạo Phật.