Cố nhiên, đặc sắc chính của Thành nhà Hồ là đá. Những khối đá to nặng được xếp liền nhau tạo nên bức tường thành đồ sộ bao quanh cả một khu kinh đô. Cho đến bây giờ người ta vẫn chưa biết được cách thức vận chuyển và xây dựng khu thành này. Một cách thức xây thành đột biến ở Việt Nam, trước chưa từng thấy, sau không có lại.
Trải hưng phế bao đời, trải mưa nắng đất trời, một kinh đô xưa giờ chỉ còn lại mấy đoạn tường thành với đá trơ gan cùng tuế nguyệt. Thành nhà Hồ đã là Di tích lịch sử quốc gia lâu nay. Bây giờ nó được UNESCO xét công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đó là sự ghi nhận một giá trị kiến trúc xây dựng của Việt Nam vào kho tàng di sản chung của nhân loại.
Đến Thành nhà Hồ, đi qua các cổng thành còn lại, ngắm nhìn khối tường thành đá còn sót lại chạy dài trên một bình địa xưa là cung điện lâu đài nay là ruộng đồng, du khách vừa kinh ngạc trước sức mạnh của người xưa, vừa cảm thấu cái lẽ hưng vong lịch sử.
Hồ Quý Ly rắp tâm lấy ngôi nhà Trần nhưng thâm tâm ông hiểu sự không chính danh của mình nên đang ở Thăng Long (Đông Đô) mà ông đã cho xây dựng ở vùng quê Thanh Hóa một kinh thành mới Tây Đô.
Xét về lịch sử phát triển của các triều đại thì đó là một sự đi lùi. Khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La là từ rừng núi về đồng bằng, là từ quân sự chuyển sang phát triển hòa bình. Thành Tây Đô của Hồ Quý Ly ban đầu là một căn cứ quân sự, một chỗ phòng thủ, làm căn cứ địa cho nhà Hồ lui về từ Thăng Long.
Hồ Quý Ly đã cho xây dựng nơi đây bằng những khối đá lớn chính nhằm mục đích tạo lập một tòa thành kiên cố, vững chắc, chống chọi được với những sự công kích từ bên ngoài. Đến khi nhà Hồ lên ngôi, Tây Đô thành kinh đô của triều đại mới.
Thời gian tồn tại của triều nhà Hồ chỉ có 7 năm, kinh đô chưa thành hình đầy đủ đã đổ sụp. Phút chốc bãi bể hóa nương dâu, bao dinh thự lâu đài tiêu biến, trơ lại đất hoang. Chỉ còn những khúc thành đá như một đoạn tráng ca khóc người chí lớn tài cao mà thời vận không có vì không được lòng dân.
Thành nhà Hồ vì thế không chỉ lưu dấu vật chất của đất đá, cỏ cây, nó còn là một chứng tích tinh thần của lịch sử, của truyền thống, của bài học “Chở thuyền, lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước” mà Nguyễn Trãi đã rút ra từ bài học nhà Hồ.
Rồi đây, ở vị thế một di sản thế giới, Thành nhà Hồ sẽ thu hút nhiều khách thăm, tìm hiểu. Và cái hiểu sâu nhất cần làm bật lên từ những khối đá im lìm mang đậm dấu ấn thời gian kia là ở bất kỳ thời nào, lòng dân luôn là khối đá bền vững nhất cho sự trường tồn của một quốc gia, dân tộc.
Phạm Xuân Nguyên