Dân Việt

Nhớ công Thoại Ngọc Hầu - người khai kênh, mở làng đất phương Nam

Bài, ảnh: Hiền Lê 26/10/2015 19:03 GMT+7
Đến Châu Đốc lần nào, tôi cũng tự nhủ lòng phải đến viếng mộ cụ Thoại Ngọc Hầu, còn gọi là Sơn Lăng, nằm trong cụm di tích Núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc (tỉnh Anh Giang). Người dân đất phương Nam luôn tự hào và và biết ơn cụ, một danh thần kiệt xuất và là người đã góp phần khai kênh, mở làng vùng đất Nam Bộ này.

Theo ghi chép tại Sơn Lăng, cụ Thoại Ngọc Hầu (1761 – 1829), tên thật là Nguyễn Văn Thoại, quê làng Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thành phố Đà Nẵng). Từ nhỏ, ông đã theo gia đình sống định cư tại làng Thới Bình nằm trên cù lao Dài, sông Cổ Chiên (nay thuộc xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Nguyễn Văn Thoại có chánh thất phu nhân là bà Châu Thị Tế, người phụ nữ nổi tiếng nhân hậu, đảm đang được người làng Thới Bình ngày xưa vô cùng ngưỡng mộ.

Căn cứ vào Quốc sử quán triều Nguyễn chép, năm 17 tuổi ông đầu quân cho Nguyễn Ánh tại Ba Giồng (Định Tường) và có mặt trong nhiều trận đánh giữa quân của Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Trong thế trận giằng co đó, nhiều lần Nguyễn Ánh phải bỏ thành Gia Định lưu vong. Nguyễn Văn Thoại có mặt trong đoàn phò giá Nguyễn Ánh chạy trốn sự truy đuổi của quân Tây Sơn, được Nguyễn Ánh tin dùng cử đi sứ sang nước Lào… nhằm tìm kiếm sự cứu viện để giành lại vùng đất đã mất vào tay đội quân Tây Sơn.

img

Khoảnh khắc lưu niệm bên lăng cụ Thoại Ngọc Hầu. (ảnh: Hiền Lê)

Năm 1802 (Nhâm Tuất), Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu Gia Long, thăng thưởng cho bề tôi. Nguyễn Văn Thoại được thăng chức Khâm sai Thống binh Cai cơ, rồi Khâm sai Thống binh Chưởng cơ, quản suất biền binh lưu thủ Bắc Thành. Ông được vua giao Trấn thủ Lạng Sơn (1803) một thời gian rồi được triệu về kinh và được vua Gia Long (niên hiệu của Nguyễn Ánh) cử làm Trấn thủ Vĩnh Thanh.

Năm 1819, vua truyền cho Gia Định thành lo việc đào kinh từ Châu Đốc thông ra Hà Tiên (đặt tên là kinh Vĩnh Tế), lệnh cho quan Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại chỉ huy dân binh khởi công vào ngày Rằm tháng Chạp. Đây là công trình ghi dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của cụ Thoại Ngọc Hầu, phải huy động đến khoảng 80.000 nhân công, lúc cao điểm có mặt hàng chục ngàn người, đào kinh chỉ với công cụ thô sơ, trong điều kiện hết sức gian khổ. Có tài liệu ghi nhận số người chết do dịch bệnh, tai nạn lên đến 6.000 người. Đến tháng 5 năm Giáp Thân (1824) thì hoàn thành con kinh dài hơn 90 km nối từ sông Hậu (Châu Đốc) thẳng ra biển Hà Tiên.

Ông là người đầu tiên có công khai phá vùng đất Nam bộ, khai khẩn đất hoang hóa, cải tạo đồng hoang thành làng mạc, lập nên 10 làng, ấp và xây nhiều đình chùa ở tỉnh Vĩnh Long và An Giang. Trong đó, nổi bật nhất là tiến hành đào hai con kênh Vĩnh Tế và Thoại Hà dài trên 100 km từ An Giang ra tận Biển Tây, tạo thành tuyến thủy lộ nội địa quan trọng để vận chuyển hàng hóa, giúp dân đi lại dễ dàng, giao thương mua bán, chấm dứt tình trạng đi đường vòng bằng đường biển, đặc biệt là đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển du lịch.

Để tưởng nhớ công ơn của ông, sau khi danh thần Thoại Ngọc Hầu mất, nhân dân tỉnh An Giang đã an táng, lập đền thờ ông tại phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc và đưa di tích lăng cụ vào quần thể di tích kiến trúc lịch sử văn hóa cấp quốc gia gồm: Lăng Thoại Ngọc Hầu, Miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, chùa Phước Điền (còn gọi là Chùa Hang). Đối với người dân Châu Đốc nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung luôn tự hào và biết ơn vị danh tướng thời xưa có công khai kênh, lập làng tại vùng đất phương Nam này để người dân được an cư lạc nghiệp.