Nhu cầu yếu, dự trữ tăng đang làm dấy lên lo ngại dư cung kéo dài trên thị trường dầu, gây sức ép lên giá dầu. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (26.10), giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 của Mỹ giảm tiếp 62 cent (hay giảm 1,4%) xuống còn 43,98 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 27.8. Giá dầu Brent cũng giảm 45 cent (hay giảm 0,9%) xuống 47,54 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 28.9.
Như vậy, giá dầu Mỹ đã đánh mất toàn bộ thành tích tăng hồi cuối tháng 8. Với hiện tượng El Nino gây trái đất nóng lên, rút ngắn thời gian mùa đông, hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu sưởi, một số tổ chức như Goldman Sachs còn dự đoán, giá dầu có thể xuống 20 USD/thùng vào năm sau.
Trong khi đó, tại cuôc họp báo của Bộ Tài chính hôm qua 26.10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, thu ngân sách 2016 vẫn dự tính giá dầu ở mức 60 USD/thùng.
Ông Tuấn nói: “Giá dầu thực tế năm nay chỉ khoảng 55 USD/thùng, trong khi dự toán ở mức 100 USD/thùng. Rút kinh nghiệm từ dự báo này, năm 2016 chúng tôi dự toán ngân sách 2016 ước tính giá dầu ở mức 60 USD/thùng. Đưa ra mức 60 USD này để nếu thị trường có biến động, ngân sách có thể xoay xở được kịp".
Thực tế, mức giá 60 USD/thùng dầu mà Bộ Tài chính đưa ra được coi là khá lạc quan, khi mà dầu thô liên tục được giao dịch dưới ngưỡng 50 USD/thùng trong vòng 3 tháng qua và nhiều dự báo quốc tế cho thấy đà giảm còn tiếp tục trong năm 2016. Mục tiêu của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng sản lượng khai thác dầu thô trong bối cảnh giá dầu thế giới vẫn trên đà giảm.
TS Phan Ngọc Trung - nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam cho biết, Việt Nam tiếp tục giữ mức khai thác dầu thô trên dưới 15 triệu tấn/năm. “Đây là chiến lược mang tính chất cân đối giữa cung cầu, thu ngân sách bởi thu từ dầu thô đang chiếm tới 10% thu ngân sách…” - ông Trung nói.
Được biết, báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Quốc hội) khi thẩm tra dự toán ngân sách 2016 cho biết, năm 2015 ngân sách hụt thu từ dầu là 63.000 tỉ đồng. Theo báo cáo này, giá dầu thô xuất khẩu của nước ta bình quân năm 2015 khoảng 56,7 USD/thùng, thấp hơn 43 USD/thùng so với dự toán. Các kịch bản về tác động giá dầu đến ngân sách đều đã được tính toán song không chặn được đà giảm thu.
Nếu bình quân 3 tháng cuối năm, giá dầu khoảng 50 USD/ thùng (tức là cao hơn mức giá bình quân tại thời điểm này) thì mức hụt thu mới không thay đổi. Mức hụt thu ngân sách từ dầu năm nay được đánh giá là lớn, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương, dù Tập đoàn Dầu khí (PVN) đã khai thác thêm hơn 1 triệu tấn dầu so với kế hoạch nhằm bù đắp hụt thu.
Báo cáo 9 tháng mới đây của PVN cũng dự tính, thu nộp ngân sách của tập đoàn sẽ giảm khoảng 44.000 tỉ đồng (dự kiến sẽ nộp 159.000 tỉ nhưng ước nộp cả năm chỉ là 115.000 tỉ đồng). Chính phủ thừa nhận rằng, qua 9 tháng đầu năm nay, thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu dầu đạt thấp, chỉ bằng 55,7% và 70,5% dự toán năm. Vì giảm thu dầu thô ảnh hưởng mạnh đến ngân sách nên Chính phủ đã đề xuất tăng thu nội địa, nhất là tăng thu thuế, phí; đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ tái cơ cấu nợ và tìm cách vay các nguồn khác nhau để có tiền cân đối thu - chi ngân sách năm tới.
Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 9 và 9 tháng đầu năm: 9 tháng năm 2015, xuất khẩu dầu thô tăng về sản lượng với 7,1 triệu tấn, nhưng doanh thu chỉ đạt 3,05 tỷ USD. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2014, sản lượng dầu thô xuất khẩu chỉ 6,8 triệu tấn nhưng doanh thu đã đem về tới 5,98 tỷ USD. Như vậy, tác động từ giá dầu giảm từ đầu năm 2015 tới hết tháng 9 đã khiến doanh thu xuất khẩu dầu thô nước ta hụt gần 3 tỷ USD. Được biết, giá dầu bình quân trong tháng 9.2015 chỉ đạt 48 USD/thùng, chưa bằng một nửa so với dự toán từ đầu năm mà Chính phủ trình Quốc hội (khoảng 100 USD/thùng). |